Kinh doanh

Mặt hàng 3,3 tỷ USD của Việt Nam đang gặp khó, lại thêm Campuchia xuất hiện cạnh tranh

Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đạt khoảng 3,3 tỷ USD, trở thành mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất trong nhóm trái cây. Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng ngay từ đầu mùa vụ năm nay.

Tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ chính, đã sụt giảm mạnh mẽ, kéo theo giá sầu riêng tại các vùng trồng cũng lao dốc. Điều này xảy ra trong bối cảnh Việt Nam bước vào mùa thu hoạch chính vụ (từ tháng 4 đến tháng 9) với sản lượng ước tính lên đến hàng triệu tấn, khiến đầu ra cho sản phẩm này trở thành bài toán nan giải.

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu là do phía Hải quan Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra chất vàng O và kim loại nặng trên 100% số lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Biện pháp kiểm tra gắt gao này được áp dụng sau khi sầu riêng của Thái Lan bị phát hiện có chất vàng O vào cuối năm ngoái. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, điều này đã gây khó khăn lớn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn thừa nhận đã phải tạm dừng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong gần nửa năm nay. Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn cho biết, năm 2024 công ty ông xuất đi vài nghìn container sầu riêng, nhưng nửa năm nay không xuất được lô nào vì việc kiểm tra 100% lô hàng tại cửa khẩu. Khách hàng của các doanh nghiệp Việt Nam là những hệ thống siêu thị lớn tại Trung Quốc, vốn có những quy định rất khắt khe về an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp phải tạm dừng xuất khẩu để chuẩn hóa quy trình, hoàn thiện thủ tục nhằm đảm bảo hàng thông quan được.

Tình hình làm hàng năm nay trái ngược hoàn toàn với năm ngoái. Trao đổi với Vietnamnet, anh Nguyễn Văn Mạnh, một thương lái sầu riêng ở Cần Thơ cho biết, năm ngoái chủ yếu gom hàng cho các vựa để xuất khẩu, có thời điểm giá cao vẫn không gom đủ. Còn năm nay, do xuất khẩu khó khăn, anh chỉ gom hàng để tiêu thụ nội địa.

Hậu quả rõ rệt nhất là sự sụt giảm kim ngạch và sản lượng. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 35.000 tấn sầu riêng, kim ngạch đạt 120-130 triệu USD.

Sầu riêng Việt Nam đang gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, cùng kỳ năm 2024, chỉ riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt tới 79.300 tấn, giá trị gần 370 triệu USD. Hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt mạnh tới 83% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 27 triệu USD. Thị phần sầu riêng Việt tại Trung Quốc giảm từ 62% xuống còn 37%.

Campuchia gia nhập "đường đua" sầu riêng sang Trung Quốc

SCMP đưa tin, với lô hàng đầu tiên được thông quan cuối tháng 4, sầu riêng Campuchia đang nhắm đến chia lại "miếng bánh" thị trường sầu riêng trị giá gần 7 tỷ USD, hiện do Thái Lan, Việt Nam và Malaysia nắm giữ phần lớn.

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, vốn đã quen với các “ông lớn” như Monthong (Thái Lan) hay Musang King (Malaysia). Sầu riêng Ah Khak của Campuchia là cái tên còn xa lạ, nhưng đang thu hút sự tò mò của người tiêu dùng Trung Quốc nhờ chất lượng tiệm cận sầu riêng Malaysia và quy trình trồng trọt tốn nhiều công sức.

Theo chuyên gia Lim Chin Khee của Học viện Sầu riêng - một tổ chức của Malaysia đào tạo người trồng sầu riêng địa phương, Campuchia tuy chưa có thương hiệu mạnh, nhưng đang được hậu thuẫn lớn từ các khoản đầu tư và chuyển giao kỹ thuật của Trung Quốc.

Hiện tại, Thái Lan chiếm 57% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam với 38%. Campuchia vừa bước chân vào, trong khi Indonesia cũng chuẩn bị xuất khẩu, còn Lào đã bắt đầu thăm dò thị trường.

Việc Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng Campuchia không chỉ đơn thuần là thương mại. Theo các nhà phân tích, đây còn là nước đi chiến lược của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ với ASEAN - đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc hiện nay.

“Các lô hàng nông sản như sầu riêng là cách giúp thu hẹp thâm hụt thương mại với Campuchia” - Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nhận định.

(Tổng hợp)

Các tin khác

Lý do dự án đường nghìn tỷ ở Hà Tĩnh thi công "nhảy cóc"

Tuyến đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đến cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kỳ vọng kết nối, phát triển khu kinh tế phía nam Hà Tĩnh, song do vướng mặt bằng nên nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”.

Giá vàng đồng loạt tăng

Sáng nay (20/5), giá vàng miếng tăng mạnh trở lại, lên hơn 119 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn thấp hơn giá vàng miếng từ 2-4,5 triệu đồng/lượng tuỳ từng thương hiệu.

Độc dược ẩn trong vỏ bọc làm đẹp

TP - Hàng nghìn sản phẩm mĩ phẩm giả bị lực lượng chức năng thu giữ trong thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lộng hành của thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng - đặc biệt trong lĩnh vực làm đẹp.

Trung Quốc chia sẻ các mẫu vật vô giá từ mặt trăng

Các mẫu vật quý giá từ mặt trăng được tàu vũ trụ Thường Nga 5 (Chang'e 5) của Trung Quốc mang về Trái đất vào năm 2020 cuối cùng đã được chia sẻ với các nhà nghiên cứu quốc tế, trừ Mỹ vì luật của Mỹ khiến các nhà khoa học tại Mỹ khó có thể tiếp nhận bất kỳ mẫu vật nào.

Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị cơ sở cách ly, điều trị COVID-19

Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện khẩn trương rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.