Doanh nghiệp

Tranh cãi tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng

Phạt tối đa 200 triệu đồng, cao hay thấp?

Trò chuyện với PV Thanh Niên vào một buổi chiều giữa tháng 5, anh Trương Văn Nghiệp, làm nghề kinh doanh tự do, ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: "Tôi buôn bán đồ sành sứ bên vỉa hè, thu nhập không đủ nuôi vợ con nên thời gian rảnh tôi đi giao hàng thêm. Khi mức phạt vi phạm giao thông tăng lên, tôi cũng ý thức hơn rất nhiều để tránh vi phạm. Tôi chưa bị phạt từ lúc Nghị định 168/2024 có hiệu lực, nhưng tôi lo lắng nếu bị phạt thì sẽ không có tiền để đóng phạt, hoặc phải mất cả tháng thu nhập. Nên bây giờ tôi không còn làm thêm việc giao hàng nữa mà chỉ bán hàng sành sứ, dù thu nhập giảm đi. Bởi khi thường xuyên phải di chuyển trên đường, người lái xe khó có thể chắc chắn 100% không bao giờ vi phạm".

Tranh cãi tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng- Ảnh 1.

Tình hình TNGT và vi phạm giao thông đã giảm mạnh từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, một số vụ TNGT liên quan đến xe máy cho thấy các kiến thức và kỹ năng cơ bản của người đi xe máy cần được cải thiện. Cùng với đó, tình hình vận chuyển hàng hóa như cuộn thép, vật liệu xây dựng nhưng không được chằng buộc, gia cố chắc chắn vẫn tiếp tục xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm cần được quan tâm thực hiện.

Một tài xế xe tải chạy đường dài là anh Nguyễn Duy Đại, ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), cũng chia sẻ: "Tôi có nhiều năm kinh nghiệm lái xe tải đường dài, nói về thông thạo đường đi thì tôi có thể tự hào hiểu biết hơn rất nhiều người. Nhưng từ lúc Nghị định 168 có hiệu lực và gia tăng mức phạt thì tôi cảm thấy khá e dè vì mức phạt khá cao. Lương bình quân của tài xế lâu năm như tôi chỉ hơn 10 triệu đồng, trong khi đó mức phạt hiện nay đã hơn cả con số này. Nếu không may bị phạt nguội thì cũng đã mất vài tháng thu nhập. Giờ mỗi ngày sau khi đi làm về, tôi đều tra cứu ứng dụng phạt nguội để xem mình có bị "dính" hay không, có ngày phải tra cứu đến mấy lần cho an tâm. Tôi nghe đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên tối đa 200 triệu đồng thì choáng váng, lỡ như bị phạt thì chẳng biết lấy tiền đâu mà nộp".

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải TP.HCM, thừa nhận: "Thực tế là từ sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức chấp hành quy định giao thông của giới tài xế đã có sự chuyển biến tích cực, hầu hết người lái xe đều ý thức tập trung cao độ khi điều khiển phương tiện giao thông để tránh bị phạt. Các doanh nghiệp vận tải cũng không đặt nhiều áp lực buộc tài xế phải chạy đua cho kịp giờ quy định như trước. 

Đó là sự chuyển biến tốt. Nhưng bên cạnh đó, nhiều hội viên đã than phiền với tôi rằng mức phạt hiện nay là quá cao. Nếu tính thu nhập bình quân của người lao động là 10 triệu đồng/tháng, trường hợp họ bị phạt mức tối đa hiện nay là 75 triệu đồng thì phải mất đến 7,5 tháng thu nhập (chưa tính chi tiêu) mới đủ đóng tiền phạt. Nếu đề xuất tăng mức phạt tối đa lên 200 triệu đồng, tôi cho rằng không nên. Mặt bằng thu nhập chung hiện nay của người dân chỉ đang ở mức trung bình, nếu mức phạt vượt quá thu nhập thực tế của họ thì sẽ phản tác dụng".

Ông Hoàng Tùng, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, phân tích: "Một số nước như Singapore, Thụy Điển, Na Uy áp dụng quy định phạt rất nặng khi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, điều kiện của họ chênh lệch nhiều so với VN, trong đó thu nhập người dân rất cao, các quy định rõ ràng, nhất quán; hạ tầng đồng bộ, hệ thống báo hiệu - kiểm soát thông minh… Một số nước khác như Đức, Hà Lan, Nhật Bản thì không cần phạt quá cao nhưng hiệu quả vẫn rất tốt nhờ vào ý thức của người dân, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi, khung pháp lý linh hoạt. Với đề xuất tăng mức phạt tối đa lên đến 200 triệu đồng, tôi nghĩ là chưa cần thiết, thay vào đó các cơ quan chức năng nên tập trung vào cải thiện hạ tầng, biển báo, tuyên truyền giáo dục hành vi, trang bị kiến thức và ý thức chấp hành quy định giao thông cho người dân thì sẽ hiệu quả hơn".

Có dấu hiệu "nhờn luật"?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), người đề xuất tăng mức phạt tối đa lên 200 triệu đồng, cho rằng bất cập nhất hiện nay là mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tối đa 75 triệu đồng vẫn còn thấp, chưa đủ tạo sức răn đe. Giao thông đường bộ có tình trạng "nhờn luật", cố tình vi phạm luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Bà Xuân dẫn chứng, theo dõi các kênh thông tin thấy nhiều trường hợp cố tình lái xe ngược chiều trên cao tốc, nếu xảy ra va chạm thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy theo bà Xuân, cần tăng mức tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ 75 triệu đồng lên 150 - 200 triệu đồng. Có như vậy mới "giải quyết được bài toán tăng sức răn đe".

Tranh cãi tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng- Ảnh 2.

Người dân tuân thủ các quy định giao thông để tránh bị phạt

ẢNH: QUANG THUẦN

Không đồng tình với lập luận này, ông Nguyễn Sơn Lâm, một viên chức hưu trí tại TP.HCM, phản biện: Không thể lấy số ít trường hợp cố ý vi phạm và kết luận rằng đây là "nhờn luật" để áp dụng mức phạt hành chính giao thông tăng gấp đôi. "Lương hưu của tôi chỉ có 4,5 triệu đồng, nếu chẳng may vi phạm giao thông, bị phạt 10 triệu đồng là đã sợ lắm, làm sao nói là "nhờn luật" và cố ý vi phạm được?", ông Lâm dẫn chứng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, than thở: Doanh nghiệp vận tải hiện nay kinh doanh rất khó khăn, mọi chi phí đều được cắt giảm tối đa, kế hoạch đăng kiểm, bảo dưỡng phương tiện đều được tính toán rất kỹ để làm sao tiết kiệm và hiệu quả nhất. Riêng các vi phạm của tài xế hay lỗi phạt nguội trong quá trình lưu thông trên đường cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp rất lo lắng. Bởi chỉ cần phương tiện bị ách tắc, không đăng kiểm được là sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch vận hành. Vì thế, với mức phạt giao thông hiện nay, doanh nghiệp đều ý thức nhắc nhở tài xế hạn chế tối đa vi phạm để không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, nếu nói rằng người dân "nhờn luật" là chưa chính xác, mà phải nói rằng doanh nghiệp vận tải lẫn tài xế đã ý thức tốt hơn trước mới đúng.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tại cuộc họp mới đây, sau khi Nghị định 168 nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, ý thức chấp hành của người dân trên cả nước đã có chuyển biến rõ rệt, qua đó góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết và bị thương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, các cơ quan truyền thông đại chúng đã làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm được thực hiện nghiêm.

Cả thực tiễn và kết quả cho thấy chuyện "nhờn luật" là chưa chính xác và vì thế, đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng chưa nhận được sự đồng tình của hầu hết các đối tượng liên quan.

Các tin khác

Lý do dự án đường nghìn tỷ ở Hà Tĩnh thi công "nhảy cóc"

Tuyến đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đến cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kỳ vọng kết nối, phát triển khu kinh tế phía nam Hà Tĩnh, song do vướng mặt bằng nên nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”.

Giá vàng đồng loạt tăng

Sáng nay (20/5), giá vàng miếng tăng mạnh trở lại, lên hơn 119 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn thấp hơn giá vàng miếng từ 2-4,5 triệu đồng/lượng tuỳ từng thương hiệu.

"Cách mạng xanh" lan tới shipper và tài xế công nghệ

Sau kế hoạch "đổi màu" xe buýt, TP.HCM đang xây dựng chương trình chuyển đổi xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ 2 bánh và giao hàng. Cùng với lộ trình kiểm soát khí thải cho xe máy, cuộc "cách mạng xanh" này sẽ giúp TP.HCM kiểm soát triệt để một trong những nguồn phát thải lớn nhất.

Điểm mấu chốt "hối thúc" hộ kinh doanh

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, để hộ kinh doanh sẽ chuyển thành doanh nghiệp, điểm mấu chốt là phải giải tỏa tâm lý cho họ, để họ không còn suy nghĩ lên doanh nghiệp sẽ mất nhiều hơn.

3 không khi ăn thịt chân giò

Chân giò lợn được nhiều người ưa thích vì thịt chắc, bì giòn, mỡ không quá ngấy. Loại thịt này chứa nhiều collagen bổ dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn lượng chất béo, purin gây hại.

Xử lý nghiêm tình trạng buông lỏng quản lý

Chủ tịch UBND P.Mũi Né bị đình chỉ chức vụ không phải là câu chuyện mới ở địa phương này, song lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng.