Theo các clip lan truyền, ban đầu một nhóm nhỏ người mua măng vầu ngọt về ăn và nêu lên cảm nhận trên mạng xã hội: Măng có vị ngọt rõ rệt, ngon và dễ ăn hơn măng thường... Từ đó tạo nên một “làn sóng”, khiến không ít người đổ xô đi “truy lùng” và mua về để được trải nghiệm. Điều đáng nói, nhiều người không chỉ “ăn cho biết” mà còn ăn cùng lúc với lượng lớn măng vầu ngọt và khoe lên mạng xã hội.

Nhiều clip trên mạng xã hội lan truyền trào lưu ăn măng
Ảnh: Chụp màn hình
Nguy cơ ngộ độc, sỏi thận
Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, măng tươi nói chung chứa độc tố tự nhiên gọi là cyanogenic glycoside, có thể chuyển hóa thành axit hydrocyanic (HCN) - một chất độc mạnh. Nếu không sơ chế đúng cách hoặc ăn quá nhiều măng, có thể gặp các vấn đề sau:
Ngộ độc cyanide: Biểu hiện gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, thậm chí hôn mê (hiếm gặp nhưng nguy hiểm).
Làm mất canxi: Axit oxalic trong măng có thể kết hợp với canxi thành oxalat không tan, dễ gây sỏi thận nếu ăn thường xuyên và không bổ sung đủ nước.
Gây đầy bụng, khó tiêu do lượng chất xơ cao nếu ăn quá mức.
Tương tác với thuốc: Một số thành phần trong măng có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị huyết áp hoặc tuyến giáp.
Cách sơ chế, liều lượng khi ăn măng vầu ngọt
Theo đó, bác sĩ Minh Như khuyên mọi người nên đặc biệt sơ chế kỹ măng trước khi dùng:
- Luộc măng ít nhất 1-2 lần trong nước sôi, nên thay nước giữa các lần luộc.
- Mở nắp nồi khi luộc để khí độc bay ra ngoài.
- Ngâm măng đã luộc trong nước sạch 1-2 tiếng hoặc qua đêm để loại bỏ phần độc còn sót.
- Không ăn măng tươi chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là măng non mới hái.
- Tránh sử dụng măng đã bị ôi, thiu hoặc có mùi lạ, màu sắc bất thường.
“Để đảm bảo sức khỏe khi ăn măng, giới hạn an toàn được khuyến nghị là khoảng 50-100 g măng luộc chín/ngày (tương đương 1-2 chén nhỏ). Với người khỏe mạnh, ăn măng 2-3 lần/tuần là mức độ hợp lý. Ăn quá nhiều có thể gây đầy hơi, khó tiêu hoặc hấp thụ dư thừa chất độc nếu chưa sơ chế kỹ”, bác sĩ Minh Như cho hay.

Luộc măng ít nhất 1-2 lần trong nước sôi, nên thay nước giữa các lần luộc
Ảnh: AI
Ăn măng ngọt có tác dụng gì?
Măng ngọt là phần non của cây tre, trúc có vị ngọt nhẹ, giòn, dễ ăn và thường được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống. Theo y học cổ truyền và dinh dưỡng hiện đại, măng ngọt mang lại nhiều lợi ích sức khỏe:
Giàu chất xơ: Măng chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và kiểm soát lượng đường trong máu.
Ít calo: Rất thích hợp cho người ăn kiêng, kiểm soát cân nặng.
Cung cấp các vi khoáng: Măng chứa kali, canxi, sắt, mangan, giúp tăng cường miễn dịch và cải thiện chức năng thần kinh, cơ bắp.
Chống oxy hóa: Một số hợp chất trong măng có tính kháng viêm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.
Hỗ trợ giảm cholesterol: Các nghiên cứu cho thấy măng có thể giúp giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu.
Dù măng có nhiều tác dụng được ghi nhận, nhưng một số đối tượng sau cũng nên thận trọng khi dùng:
Phụ nữ mang thai: Do nguy cơ ngộ độc và ảnh hưởng tiêu hóa.
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ, dễ bị rối loạn hấp thu.
Người có tiền sử sỏi thận: Măng có thể làm tăng nguy cơ lắng đọng oxalat.
Người mắc bệnh dạ dày, viêm đại tràng: Măng chứa nhiều chất xơ thô có thể kích ứng niêm mạc ruột.
Người bị gút (gout): Một số loại măng có thể làm tăng purin, khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.