Chuyển đổi 400.000 xe máy sang xe máy điện cho shipper và tài xế công nghệ
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được mới đây, Tập đoàn Vingroup đã báo cáo tiến độ triển khai các chương trình chuyển đổi xanh đang phối hợp triển khai cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Đại học VinUni. Trong đó, đề án "Chuyển đổi xanh - TP.HCM mở rộng" có nội dung đáng chú ý là chương trình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng.
Sau khi hoàn tất khảo sát thực địa và xác định nhu cầu triển khai, các bên liên quan đang lên kế hoạch bố trí trạm sạc kết hợp với khu vực nghỉ ngơi cho tài xế. Kế hoạch tổng thể chuyển đổi 400.000 xe máy sẽ được hoàn thiện trong tháng 6 và tổ chức tọa đàm chuyên gia tham vấn. Song song, TP đang xúc tiến một số chương trình xanh khác như "Vì một Cần Giờ xanh", "Vì một Côn Đảo xanh" và kế hoạch phát triển mạng lưới chia sẻ phương tiện điện (car/bike sharing) tại 2 địa phương này.

TP.HCM đang xây dựng chương trình chuyển đổi 400.000 xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ 2 bánh và giao hàng
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Be hợp tác với GMS khuyến khích tài xế chuyển đổi phương tiện sang xe điện
ẢNH: B.G
Theo thạc sĩ Lê Thanh Hải, TP.HCM đang kiến nghị T.Ư miễn thuế trước bạ, miễn thuế GTGT cho tài xế công nghệ và giao hàng mua xe điện 2 bánh, thời gian áp dụng là 2 năm. Đồng thời, miễn thuế GTGT cho dịch vụ vận chuyển đối với tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe điện 2 bánh trong vòng 30 tháng.
Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM chủ trương chuyển đổi phương tiện giao thông 2 bánh từ xe xăng sang xe điện đối với các tài xế, shipper. Theo thạc sĩ Lê Thanh Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, từ đầu tháng 2.2024, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại VN đã cùng triển khai chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi mua sắm xe máy điện dành cho những cá nhân đang thường trú tại TP, ưu tiên các đối tượng làm việc trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa và vận tải hành khách. Khi tham gia chương trình, cá nhân cần thanh toán tối thiểu 30% giá trị xe. Phần còn lại sẽ được đơn vị vận hành nguồn vốn (BSSC) hỗ trợ vay vốn tối đa 25 triệu đồng, không vượt quá 70% giá trị tài sản (xe máy điện) với lãi suất 0% trong suốt chu kỳ vay và thời gian vay tối đa 12 tháng, thanh toán chia làm 4 phân kỳ (3 tháng trả 1 lần).
Chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi cho cá nhân mua sắm phương tiện xe máy điện là sự kiện đầu tiên trong năm 2024 của TP trong quá trình thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Lý giải vì sao chọn đối tượng này để khởi động công cuộc chuyển đổi giao thông xanh, ông Lê Thanh Hải cho biết: Tỷ suất di chuyển mỗi ngày của lực lượng xe 2 bánh kinh doanh dịch vụ cực cao, là một trong những đối tượng xả thải nhiều nhất. Mặt khác, tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe 2 bánh điện sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí nhiên liệu, khoảng từ 40.000 - 60.000 đồng/ngày, đủ nhiều để tạo ra chênh lệch lợi ích kinh tế, thúc đẩy họ quyết định chuyển đổi phương tiện. Minh chứng rõ nhất là thị phần của Xanh SM đã tăng vọt nhanh chóng, vượt Grab để vươn lên dẫn đầu thị trường gọi xe công nghệ tại VN. Đây là những yếu tố thuận lợi và cũng là thời điểm thích hợp để TP có thể triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông xanh.
"Dự kiến dự thảo đề xuất chính sách sẽ hoàn thiện trong tháng 6, đến tháng 7 tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia và trình UBND TP, sau đó tháng 8 sẽ gửi kiến nghị và chờ T.Ư quyết định. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất hết thủ tục trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ tháng 1.2026. Mục tiêu chuyển đổi tối thiểu 80% phương tiện tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe 2 bánh trong 2 năm, đạt tỷ lệ 100% trong 3 năm", thạc sĩ Lê Thanh Hải thông tin thêm.
Doanh nghiệp đi trước mở đường
Trước khi TP.HCM xây dựng chương trình cụ thể, các doanh nghiệp (DN) gọi xe công nghệ đã chủ động mở đường cuộc chuyển đổi phương tiện xanh. Trong đó, Grab, Xanh SM và Be là 3 nền tảng đa dịch vụ, phục vụ chở người, giao đồ ăn, vận chuyển hàng lớn nhất. Một cái tên chưa đạt độ phủ sóng cao nhưng cũng đã mở rộng dịch vụ từ chở khách tới giao hàng tại TP.HCM từ năm 2020 là TADA - ứng dụng gọi xe đến từ Singapore thuộc sở hữu của MVL Foundation. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có ShopeeFood chuyên giao đồ ăn và hàng loạt đơn vị logistics vận chuyển hàng bằng xe 2 bánh như Ahamove, J&T, Viettel Post, VNPost. Đến nay, ngoài tài xế Xanh SM, ứng dụng đang chiếm thị phần hàng đầu mảng gọi xe công nghệ (tính cả taxi), dùng hoàn toàn xe điện với nhiều ưu đãi vượt trội thu hút tài xế, thì các nền tảng khác đều cho phép tài xế chủ động chọn loại phương tiện hoặc khuyến khích sử dụng xe chạy điện.
Điển hình như ứng dụng Be của Tập đoàn Be Group. Việc hợp tác với GSM đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ đã hiện thực hóa tham vọng rút ngắn thời gian "phủ xanh" đường phố của cả 2 DN. Đại diện Be Group thông tin, hiện tại xe điện chiếm khoảng 10% trên tổng số 500.000 tài xế đang hoạt động cùng hãng. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng, khi công ty đang hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm mở rộng nguồn cung xe điện, xe hybrid, giúp tài xế có thêm lựa chọn vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí và phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, Be Group đang triển khai nhiều chương trình như hỗ trợ tài xế Be mua xe máy điện VinFast Feliz S với ưu đãi 4% so với giá niêm yết; cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất từ 0% dành cho tài xế Be mua xe điện VinFast; tài xế được giảm 3 triệu đồng/xe khi mua xe Selex và ưu đãi 30% cho gói đổi pin trong năm đầu tiên.

TP.HCM dự kiến chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho tài xế công nghệ và shipper
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

TP.HCM dự kiến chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho tài xế công nghệ và shipper
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Để xanh hóa giao thông, TP.HCM cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý 3, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ô tô khách và xe thuộc cơ quan công, DN. Đề án cũng dự kiến đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện, hạn chế phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch tại trung tâm và H.Cần Giờ... nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
"Chúng tôi đánh giá cao chủ trương thúc đẩy chuyển đổi phương tiện sang xe điện tại TP.HCM và xem đây là một phần quan trọng trong hành trình hướng đến một hệ sinh thái giao thông xanh, hiện đại và văn minh tại VN. Chúng tôi xác định việc hỗ trợ tài xế chuyển đổi sang xe điện không chỉ tối ưu vận hành và thu nhập cho tài xế nhờ tiết kiệm chi phí mà còn đa dạng hóa phương thức vận chuyển. Việc này cũng giúp Be phục vụ tốt hơn các nhu cầu đa dạng của khách hàng, đặc biệt là khi tiếp cận nhóm khách hàng ưa chuộng xe điện. Từ đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu kinh tế xanh, phù hợp với Nghị quyết 98 của TP.HCM và định hướng phát triển bền vững của VN. Be Group đang tích cực làm việc với các đối tác xe điện, công nghệ và định chế tài chính để tiếp tục mở rộng các chính sách hỗ trợ cho tài xế trong thời gian tới", đại diện Be Group chia sẻ.
Chưa tiết lộ chi tiết nhưng đại diện Grab VN khẳng định không đứng ngoài xu hướng. Mới đây, Grab và BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, vừa ký kết quan hệ đối tác khu vực nhằm cung cấp cho tài xế Grab trên khắp Đông Nam Á quyền mua 50.000 xe điện BYD với mức giá tốt nhất. Đây là bước đi chiến lược quan trọng của Grab trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các phương tiện giao thông thân thiện môi trường tại khu vực và Grab đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch gia nhập đường đua xanh, chuyển đổi phương tiện tại VN.
Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá đây là bước mở đường rất thuận lợi và TP có thể tận dụng nền tảng từ các DN để quảng bá thông tin về lợi ích tiết kiệm tiền nhiên liệu tới các tài xế, khuyến khích tài xế chuyển đổi phương tiện. Đồng thời, có thể thông qua các nền tảng để triển khai các chính sách hỗ trợ bao gồm thu hộ, trả góp (vốn, lãi) hộ tài xế hoặc đo lường phát thải carbon thông qua thông tin số ki lô mét di chuyển của các bác tài.
Cần vai trò cầm cân nảy mực từ chính sách
Theo tính toán, nếu TP thay thế toàn bộ khoảng 400.000 xe máy xăng của các tài xế bằng xe máy điện, lượng khí CO2 có thể giảm tới 750 tấn trong vòng 5 năm, đồng thời giảm đáng kể NOx và bụi mịn PM2.5, góp phần cải thiện chất lượng không khí đô thị. Một xe điện 2 bánh chỉ tiêu tốn từ 3.000 - 5.000 đồng cho mỗi lần sạc, đủ cung cấp năng lượng di chuyển từ 50 - 80 km, thấp hơn đáng kể so với chi phí xăng dầu. Ngoài ra, cấu trúc đơn giản của xe điện giúp giảm chi phí bảo trì so với xe xăng, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu cao, hạ tầng trạm sạc còn thiếu đồng bộ và thời gian sạc dài hơn so với đổ xăng vẫn là thách thức lớn cho các tài xế, đòi hỏi các giải pháp chính sách và công nghệ để tăng tốc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
Hoàn toàn ủng hộ chủ trương chuyển đổi phương tiện xanh cho các tài xế công nghệ và shipper, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TP.HCM), phân tích: VN đang nằm trong top 4 quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi giao thông điện tại ASEAN, cùng Singapore, Thái Lan và Indonesia. Có được vị trí này, yếu tố quyết định đầu tiên nhờ VN tự chủ trong việc sản xuất ô tô điện, trong đó VinFast là DN đi đầu - vừa sản xuất, vừa phân phối từ ô tô điện cá nhân tới xe máy điện, hình thành hệ thống Xanh SM… Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng vạn xe điện đã được vào vận hành, bắt đầu từ các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, rồi nhanh chóng lan sang các tỉnh, thành khác. Đây là một lợi thế bởi ở nước ngoài rất ít xe dịch vụ chạy điện.
Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, TP.HCM cũng như Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh mạng lưới metro như "xương sống" của giao thông đô thị. Mỗi tuyến metro hằng ngày có thể vận chuyển hàng vạn người và do metro sử dụng năng lượng điện nên mức độ phát thải ra môi trường không đáng kể. Tuy nhiên, với đặc điểm đô thị như TP.HCM hay Hà Nội, nếu không kết nối thuận tiện thì người dân sẽ "ngó lơ" metro. Còn nếu hàng vạn người sử dụng metro nhưng lại đi xe máy, taxi, "xe ôm" hay xe buýt dùng nhiên liệu hóa thạch thì lượng khí CO2 thải ra môi trường cũng sẽ giảm không đáng kể. Lực lượng xe chạy dịch vụ đóng vai trò như mạng lưới chân rết tỏa khắp nơi gom khách cho metro.
Do đó, nếu để đạt mục tiêu kép vừa giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc, vừa giảm lượng phát thải từ giao thông ra môi trường, thì một mô hình giao thông "từ cửa tới cửa" khép kín đa phương thức (từ metro tới xe buýt, taxi, xe ôm, xe đạp...) hoàn toàn sử dụng năng lượng điện là rất tốt, cần được triển khai nhân rộng.
"Hiện nay, các loại hình phương tiện chạy điện đã được sản xuất đầy đủ và chủ động từ DN trong nước, đây là lợi thế rất lớn. Vấn đề còn lại phụ thuộc rất lớn vào chính sách khuyến khích chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực GTVT từ phía nhà nước. Tất cả các quốc gia phát triển rầm rộ xe điện, chuyển đổi nhanh như Trung Quốc hay các nước Bắc Âu đều cần sự chung tay, dẫn dắt của nhà nước thông qua các chính sách khuyến khích như miễn thuế, phí cho DN sản xuất; bố trí quy hoạch trạm sạc; ưu đãi về đất đai; đánh vào phí xả thải đối với phương tiện sử dụng động cơ đốt trong; phân vùng phát thải…
Song song, có chính sách tài chính khuyến khích người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm phương tiện xanh. Nhà nước cần phát huy triệt để vai trò dẫn dắt trong quy hoạch, chính sách, giáo dục thay đổi nhận thức, thay đổi nếp sinh hoạt, hành vi đi lại của người dân chuyển qua phương thức xanh. Nếu đạt thêm được những yếu tố đột phá từ chính sách khu vực nhà nước, quá trình chuyển đổi giao thông xanh tại VN cũng như TP.HCM nói riêng chắc chắn sẽ được rút ngắn rất nhiều", PGS-TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.