Giá vàng có giảm về 100 triệu đồng/lượng?
Giá vàng thế giới tuần 12-16/5 giảm mạnh từ 3.300 USD/ounce xuống 3.204 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp. Trong nước, vàng miếng SJC giảm 3 triệu đồng, xuống 118,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng lao dốc, xuống mức 111-114 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng, ngày 19/5, giá vàng thế giới vọt tăng lên 3.210 USD/ounce sau chuỗi ngày giảm giá. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng 800.000 đồng lên mức 119,3 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC lên 114,5 triệu đồng/lượng.
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho hay, giá vàng trong nước và thế giới có lúc giảm có thể do tác động bởi một số thông tin tích cực, như căng thẳng địa chính trị giảm nhiệt, đặc biệt là tại Trung Đông và giữa Nga - Ukraine, khi các bên liên quan đẩy mạnh đàm phán hòa bình; hay việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn thuế quan cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi giá vàng tăng cao, nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt lời, góp phần tạo áp lực giảm giá.

Tuy nhiên, ông Hiếu đánh giá, đó chỉ là những phản ứng tạm thời của thị trường vàng trước những tin tức trên thế giới, không tạo ra xu hướng trung hạn và dài hạn.
“Giá vàng trong nước thời gian này lên xuống bất thường, có thể giảm chung theo giá thế giới. Tuy nhiên, xác suất giảm xuống mức 100 triệu đồng/lượng là rất thấp. Ngay cả giá vàng thế giới cũng chỉ giảm mang tính nhất thời do tác động từ các thông tin địa chính trị tích cực".
Những vấn đề tồn đọng, mang tính cơ sở vẫn không cải thiện. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rất lo lắng về vấn đề lạm phát của Mỹ, khi mà chính sách thuế quan có thể sẽ được áp dụng thời gian tới. Tình hình kinh tế Mỹ chưa có sự cải thiện nào đáng kể để có thể đẩy chỉ số USD Index lên, ông Hiếu phân tích.
Tại thị trường trong nước, ngoài bị tác động bởi thị trường thế giới, nguồn cung trong nước hạn chế khiến giá vàng dễ bị đẩy lên mỗi khi nhu cầu tăng.
Cũng dự báo giá vàng trong nước khó giảm về mốc 100 triệu đồng/lượng trong ngắn hạn, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt, giá vàng thế giới giảm khiến giá vàng trong nước cũng giảm theo, nhưng mức giảm không mạnh.
Lý do, nhu cầu về vàng ở trong nước vẫn khá cao. Dù giá giảm nhưng lực mua vẫn nhiều, dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn cao.
Ông Huân lý giải, giá vàng trong nước có tiếp tục giảm mạnh hay không còn phụ thuộc vào giá thế giới, cũng như nhu cầu trong nước.
Nếu giá thế giới có xu hướng giảm thì chắc chắn giá trong nước cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, giá vàng thế giới có tiếp tục giảm hay không rất khó dự báo, bởi lẽ, động thái của ông Trump rất khó đoán định.
"Việc ông Donald Trump áp thuế với các quốc gia nhưng chưa biết là bao nhiêu, nếu con số cao, chắc chắn giá vàng lại bật tăng trở lại. Những bất ổn địa chính trị, chẳng hạn như thỏa thuận giữa Nga - Ukraine không đạt được, cuộc chiến căng thẳng hơn sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng. Nói chung, rất khó dự báo giá vàng thế giới trong thời gian tới”, ông Huân nói.
Đề xuất cho người dân gửi vàng hưởng lãi suất
Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp theo quy định nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng. Cùng với đó, hoàn thành việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để ổn định thị trường vàng, cần có nguồn cung đáp ứng nhu cầu.
Vị chuyên gia luôn giữ quan điểm: Ngân hàng Nhà nước nên rút lại vai trò nhà nhập khẩu vàng duy nhất ở Việt Nam. Có thể giao quota cho một số nhà kinh doanh vàng để họ nhập khẩu vàng trong giới hạn, định hướng, chỉ đạo.
Cùng với đó, nên chấm dứt thương hiệu vàng quốc gia SJC để tất cả các thương hiệu vàng có sự cạnh tranh đồng đều.
Còn PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận, ổn định thị trường vàng rất khó khi nguồn cung trong nước khan hiếm. Ông phân tích, việc cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường là không khả thi bởi cần tiết kiệm ngoại tệ để hỗ trợ bình ổn tỷ giá. Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu thì cũng không cần thiết ưu tiên ngoại tệ để nhập khẩu.
Muốn quản lý thị trường vàng, cần xây dựng thị trường vàng tín chỉ. Trên thế giới, khi thị trường vàng quá biến động, một số nước đã cho phép xây dựng thị trường vàng tín chỉ để đảm bảo nhu cầu giao dịch của người dân, nhưng vẫn hạn chế được việc "chảy" ngoại tệ ra ngoài. Việt Nam có thể nghiên cứu thêm giải pháp này, ông Huân khuyến nghị.
Ông cũng đề xuất cho phép người dân gửi vàng tại Ngân hàng Nhà nước để hưởng lãi suất như trước. Giải pháp này vừa giúp kiểm soát giá vàng, vừa huy động nguồn vàng lớn trong dân phục vụ phát triển kinh tế.