Doanh nghiệp

Lợi nhuận chủ chuỗi Thế Giới Di Động, FPT Shop lao dốc

Ngay từ đầu, hai ông lớn Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) đều dự báo một năm đầy thách thức khi sức mua của người tiêu dùng liên tục suy giảm. Theo kế hoạch kinh doanh, FRT - chủ chuỗi FPT Shop - dự kiến giảm lãi một nửa, xuống 240 tỷ đồng. Còn Thế Giới Di Động chỉ đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 1%.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường 3 tháng đầu năm còn tiêu cực hơn nhiều so với dự tính của hai công ty này. Doanh thu của chuỗi FPT Shop giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.513 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường hiện tại, chuỗi này phải đưa ra nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu cho các sản phẩm điện tử, nhất là ngành hàng Apple.

Người đứng đầu MWG, ông Nguyễn Đức Tài hồi cuối tháng trước cũng đã tuyên bố rằng không để chênh lệch giá thành điểm lợi của các đối thủ trong thời gian tới. Thực tế gần đây, thị trường không còn tình trạng các mẫu iPhone bán tại FPT Shop cũng như Thế Giới Di Động cao hơn vài triệu đồng so với các chuỗi cửa hàng nhỏ hơn như những năm trước.

Theo báo báo tài chính hợp nhất quý I, chi phí bán hàng của FRT tăng xấp xỉ 25%, lên 913 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là lãi vay cũng tăng gần gấp đôi lên khoảng 85 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm, chủ chuỗi FPT Shop chỉ lãi hợp nhất sau thuế 2 tỷ đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này mới đạt 8,3% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay của FRT.

Tương tự, lãi ròng hợp nhất của MWG trong quý I cũng "bốc hơi" hơn 90%, xuống còn hơn 21 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2014. Doanh thu hợp nhất của công ty giảm 25%, xuống 27.335 tỷ đồng.

Bên cạnh việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hãng bán lẻ phải đẩy mạnh khuyến mại, cùng với mua trả góp sụt giảm khiến phần doanh thu MWG lao dốc. Chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ trước đây Thế Giới Di Động có hơn 3 đối tác trả góp, nay chỉ còn một bên có khả năng cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, tỷ lệ được duyệt hồ sơ trả góp cũng giảm mạnh - chỉ còn khoảng 20%, trong khi trước ở mức 60-70%.

Ông Tài dự báo thị trường phải đến hai quý cuối năm mới có thể khả quan hơn trên cơ sở đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi, lãi suất sẽ được kiểm soát...

Trong khi FRT cho biết khó dự đoán thời điểm thị trường bán lẻ phục hồi. Vì vậy, công ty sẽ thận trọng trong việc mở mới FPT Shop. Ở chiều ngược lại, FRT dồn lực cho chuỗi nhà thuốc Long Châu với mục tiêu mở mới ít nhất 400 nhà thuốc để đạt 1.600 điểm bán hàng vào cuối năm. Trong quý I, doanh thu chuỗi nhà thuốc của FPT tăng hơn 50% so lên 3.284 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm