Theo thông tin từ Cục Hải quan Khánh Hòa gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, cơ quan này đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Lý do của thông báo này xuất phát từ việc Nam Trung Group – doanh nghiệp do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm người đại diện pháp luật còn khoản nợ thuế quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa trên 21 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 2/2024, lý giải về việc nợ thuế lần này, đại diện Trung Nam Group nói hoạt động kinh doanh doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Thời gian qua, nguồn tiền từ việc bán điện cho EVN bị chậm thanh toán. Thông thường, doanh nghiệp được nhận tiền bán điện trong 45 ngày nhưng khoản tiền này bị chậm thanh toán tới 3 tháng. Trong khi đó, họ ưu tiên chi trả lương thưởng cho người lao động dịp Tết nguyên đán 2024, nên chưa cân đối được dòng tiền ngắn hạn, dẫn đến chậm thanh toán tiền thuế.
Thế nhưng, trước khi Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh, doanh nghiệp chậm nghĩa vụ nộp thuế, thanh toán trái phiếu… Trung Nam Group từng có một bức tranh kinh doanh với nhiều gam màu sáng. Doanh nghiệp này thành lập năm 2004, được lèo lái bởi hai doanh nhân gồm ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng giám đốc.
Trên website, Trung Nam Group hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản đến công nghiệp thông tin điện tử. Trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều dự án quy mô lớn.
Công ty này tham gia mảng năng lượng tái tạo từ năm 2018. Ba năm sau, công ty đã đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia. Báo cáo của VNDirect cũng gọi Trung Nam là doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chiếm 7% thị phần.
Tình hình kinh doanh của "ông lớn" ngành năng lượng tái tạo này bắt đầu xoay chiều từ 2022. Theo công bố thông tin định kỳ trên HNX về tình hình tài chính năm 2022, Trung Nam Group báo vẫn báo lãi gần 255 tỷ đồng, song giảm 84% so với kết quả năm liền trước đó. Lãi giảm cũng khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty tụt từ 5,85% xuống 0,91%.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Trung Nam Group ở mức hơn 96.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng giá trị nợ phải trả ở mức 68.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ.
Các đơn vị thành viên cũng đối diện với loạt khó khăn. Năm 2022, ngoài CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam, các đơn vị thành viên khác như Điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, Trung Nam Ninh Thuận, Trung Nam Đăk Lắk 1 đều ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận so với năm liền trước. Đặc biệt, Trung Nam Đắk Lắk 1 – dự án trọng điểm của doanh nghiệp này, báo lỗ gần 859 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 1,4 tỷ đồng.
Khó khăn kéo dài khiến tại thời điểm tháng 11/2023, Trung Nam chậm thanh toán hơn trăm tỷ tiền trái phiếu. Gần đây nhất, hồi tháng 2/2024, doanh nghiệp này từng kêu cứu về dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Đối diện với khó khăn về tài chính, tuy nhiên trong thông tin mới nhất được đăng tải trên báo chí, đại diện Tập đoàn Trung Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ cố gắng để thực hiện nghĩa vụ thuế, thanh toán tiền thuế trong thời gian sớm nhất có thể.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn được sớm thanh toán tiền bán điện đối với sản lượng điện đã được huy động để giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền vận hành doanh nghiệp, vận hành các dự án điện cũng như đường dây truyền tải.