Doanh nghiệp

Hàng không Việt đua nhận tàu bay mới

Vietravel Airlines - hãng hàng không trẻ nhất thị trường Việt Nam - vừa cho biết sẽ đón thêm 3 tàu bay trong quý tới. Động thái này để phục vụ cho mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế của hãng.

Sau gần 2,5 năm cất cánh, hãng bay của Tập đoàn Vietravel mới vận hành 3 tàu bay Airbus 321. Do số lượng tàu ít, Vietravel Airlines gặp nhiều hạn chế trong khai thác cả thị trường nội địa và quốc tế.

Ngoài một số đường bay nội địa, hiện hãng này mới khai thác được hai chặng quốc tế thường lệ giữa Hà Nội, TP HCM với Bangkok và chặng charter Cam Ranh - Daegu (Hàn Quốc). Để chuẩn bị cho kế hoạch tăng đội tàu bay lên 6 chiếc, hãng đang gấp rút tuyển dụng, đào tạo đội ngũ tiếp viên hàng không.

Tương tự, đại diện Bamboo Airways cho biết từ nay đến cuối năm sẽ nhận thêm 6-8 tàu bay. Kế hoạch năm 2024 - 2025 là 10 tàu bay. Đồng thời, để chủ động nguồn lực phi công, gần đây Bamboo Airways cũng hợp tác với BAA Training Vietnam để đào tạo học viên phi công.

Vietjet Air cũng có kế hoạch nhận thêm loạt tàu bay mới năm nay, gồm cả tàu thân rộng và thân hẹp. Ngay trong tuần này, hãng sẽ nhận 3 tàu Airbus A321 ACF. Theo Planespotters, Vietjet đang có 77 tàu bay, gồm 5 chiếc A330, 54 chiếc A321 và 18 chiếc A320. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Vietjet dưới 7 năm.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông vài ngày trước, CEO Vietjet Đinh Việt Phương thông tin dự kiến đến cuối năm, đội bay của hãng sẽ tăng lên 87 chiếc. Hiện tại, Vietjet khai thác trên 100 đường bay trong nước và quốc tế. Trên mạng bay nội địa với việc khai thác 18 sân bay trong nước. Thời gian tới, hãng cũng có kế hoạch mở các đường bay mới đến thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Phương cũng chia sẻ hai năm dịch bệnh, bất ổn địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đã tạo nên tình trạng khan hiếm tàu bay trên toàn cầu. Nhu cầu bổ sung tàu bay của các hãng đều tăng do nhu cầu đi lại lớn, nhất là tại châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Vì vậy, theo CEO Vietjet, không phải hãng nào cũng có thể tăng tàu bay theo đúng kế hoạch.

Thực tế, tình trạng thiếu máy bay trở nên trầm trọng hơn từ cuối năm ngoái, theo Bloomberg. Điều này cũng khiến mức giá để mua, thuê máy bay cao hơn. Steve Udvar-Hazy, người sáng lập hãng cho thuê máy bay Air Lease nói rằng mọi máy bay được giao trong hai năm qua đều bị trễ.

Với hai ông lớn Boeing và Airbus, giao hàng đúng hẹn cũng là cả một vấn đề. Airbus đã nhận đơn đặt hàng 6.100 máy bay thuộc dòng A320 và phải mất 8 năm mới có thể trả hết số này.

Hồi đầu năm nay, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho các hãng trong nước tăng quy mô đội tàu để đáp ứng nhu cầu phục hồi của thị trường. Tính đến tháng 1/2023, có 6 hãng hàng không trong nước khai thác 225 tàu bay, kém 9 chiếc so với thời điểm trước dịch đầu năm 2020.

Theo tính toán của Cục, trung bình một đầu tàu bay vận chuyển 250.000 khách mỗi năm. Với dự báo thị trường nội địa năm 2023 đạt 45,5 triệu khách, số lượng tàu bay phục vụ riêng thị trường nội địa là 182 chiếc.

Còn để phục vụ 13,6 triệu khách quốc tế, năm nay các hãng cần 57 tàu. Như vậy, trong năm 2023, tổng lượng tàu bay của các hãng phải tăng lên 230 chiếc vào các tháng đầu năm và lên 250 chiếc vào cuối năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm