Dừng trước bia mộ của vợ chồng liệt sĩ Lê Kim Tiến và Lê Quốc Việt, bà Lê Ngọc Thanh (bà Sáu Thanh, 82 tuổi) nói: "Sắp đến ngày kỷ niệm đất nước thống nhất, nay tao lại dẫn con Việt Tiến ra thăm tụi bây".
Chị Lê Việt Tiến, 48 tuổi, là con của vợ chồng liệt sĩ Lê Quốc Việt và Lê Kim Tiến được bà Sáu Thanh đưa về nuôi nấng từ lúc còn ẵm ngửa.
Rời khỏi nghĩa trang, trên đường về hai mẹ con bà Thanh ghé chợ mua nải chuối già cùng bọc chè trôi nước. Bà kể lúc cùng ở tù với mẹ ruột của chị Tiến đã hứa với nhau "ngày đất nước thống nhất, hai vợ chồng em cùng con nhỏ hẹn gặp chị ở bến Ninh Kiều ăn trái chuối già, chén chè trôi nước". Người bạn tù đã hy sinh nhưng bà Thanh vẫn luôn nhớ mãi lời hẹn.
Bà Thanh quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Năm 14 tuổi bà tham gia cách mạng, làm giao liên. Năm 25 tuổi bà giữ chức Ủy viên Ban chấp hành nông dân khu Tây Nam Bộ.
Năm 1974, trong chuyến công tác về Cần Thơ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, bà bị bắt ở cầu Cái Răng và giam ở Khám lớn. Ở đây, các bạn tù đạt cho bà bí danh Tám Thương.
Trong tù, bà Thanh bị giam cùng buồng với 25 chị em. Bà kể, họ thường xuyên bị tra tấn, đánh đập, bị bỏ đói khát nhưng không ai hé răng khai báo cơ sở, luôn giữ được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Dù không quen nhau trước nhưng những bạn tù dần dà hiểu và chăm sóc cho nhau. Bà Thanh thân với nữ chiến sĩ Lê Kim Tiến, cán bộ quân bưu và khu cầu đường Tây Nam Bộ. Bà Tiến bị địch bắt khi đang chuyển tài liệu mật cho cơ sở cách mạng, kết án 8 năm tù khổ sai. Lúc vào trại bà đang mang thai gần ba tháng.
"Nó đánh em, em đưa cái lưng ra chịu. Em sợ nó đá vô bụng con em có tật, tội nó", bà Tiến kể lại lời tâm sự của nữ bạn tù.
Ngày 17/4/1975, bà Lê Kim Tiến hy sinh trong tù, bỏ lại đứa con hai tháng tuổi. Chồng bà cũng hy sinh trước ngày giải phóng.
Trước khi mất, liệt sĩ Tiến gửi lại bức thư cho bà Thanh: "Chị Tám Thương em không sống nổi. Em giao đứa con của em cho chị. Nhưng chị à, con khôn thì mẹ vui lòng, con dại thì mẹ đau lòng. Chị hứa với em một điều, chị đừng bỏ con em".
Nửa tháng sau, đất nước thống nhất bà Thanh được giải thoát khỏi nhà tù và bắt đầu hành trình làm mẹ. Đứa bé được sinh ra trong tù năm ấy được đặt tên là Lê Việt Tiến, ghép tên cha mẹ lại với nhau. Bà nhớ như in ngày bế chị Việt Tiến về nhà, đứa bé nhỏ xíu, được quấn tạm bằng một mảnh vải, nhiều người bảo: "Coi ai nuôi được đem cho làm phước, chứ cô nuôi nó chết mang tội". Bà Thanh quả quyết: "Đồng đội gửi gắm thì tôi phải hoàn thành, sống nuôi, chết chôn không cho ai hết".
Bà cũng bỏ qua hạnh phúc của cá nhân mình và mọi điều tiếng thị phi, nuôi đứa con gái của đồng đội đến lúc trưởng thành. Việt Tiến học hết lớp 12 thì được người của Bưu điện TP Cần Thơ tìm tới, nhận đỡ đầu con em liệt sĩ của ngành. Chị Tiến được nhận vào làm trong bưu điện, đến năm 2010 thì lập gia đình. Chồng Việt Tiến cũng nghèo, nhưng hiền lành, chất phác.
"Ngày con Tiến lấy chồng, sợ nó tủi thân, tôi đứng ra tổ chức đám cưới khá rình rang, nhận hết hàng xóm láng giềng làm bà con bên ngoại", bà Thanh tâm sự.
Những tưởng cuộc sống của bà từ đó sẽ an nhàn bởi đã hoàn thành tâm nguyện với người đã khuất. Nhưng năm 2014, chị Tiến phát bệnh tim. Sau 21 ngày cấp cứu ở viện, chị tỉnh dậy mới biết mẹ Thanh đã bán nhà, cầm cố sổ lương hưu để lấy tiền cứu mình. Cũng từ đó, gia đình bà Thanh gồm 5 người kéo nhau ra ở trọ đến giờ.
"Nhà cửa bán hết, tài sản bán hết thậm chí đôi bông tôi tai đang đeo cũng đem bán để cứu nó. Tôi luôn tâm niệm, ngày nay đất nước hòa bình là nhờ có xương máu của cha mẹ nó đóng góp", bà nói.
Vì bệnh tim, chị Tiến không có khả năng lao động. Mọi việc trong nhà đều dựa vào chồng, mẹ Thanh. Đã 10 năm qua gia đình chị chưa được đón cái Tết nào trọn vẹn. Bao nhiêu tiền kiếm được, ngoài lo chi phí trọ, ăn uống, tất cả đều dồn mua thuốc cho chị Tiến.
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều cho hay câu chuyện của bà Thanh nuôi con đồng đội bà con lối xóm ai cũng xúc động. "Nghĩa cử của bà Thanh thật sự rất cao cả. Bà không chồng, ở vậy nuôi con đồng đội. Hồi trước khá lắm, nhưng từ khi con Tiến đổ bệnh phải bán nhà ở trọ gần 10 năm qua. Mỗi khi có gạo hay hỗ trợ gì khu vực luôn ưu tiên cho gia đình bà Thanh", ông nói.
Cầm bọc thuốc mới mua trên tay, chị Tiến nói nếu vắng thuốc chừng ba bữa là phải nhập viện. Tuần vừa rồi, hai vợ chồng về bên nội được cho ký thịt heo nên bữa cơm hôm nay gia đình mới lại có thịt.
Bà Thanh tâm sự, cuộc đời đi làm cách mạng trải qua nhiều gian khổ, thậm chí là đối diện với cái chết nhưng "chưa gian khổ nào bằng thời gian nuôi con Tiến". "Tôi vừa không biết làm mẹ, không tiền, đi công tác phải mang theo con nhỏ, rồi còn miệng đời mỉa mai đủ thứ", bà nói.
Cứ mỗi chiều, bà Thanh tản bộ, ngước nhìn sang bên kia con rạch nhỏ, bà lại nhớ về ngôi nhà của gia đình. "Cuộc đời tôi dành trọn cho cách mạng, cho con cái vậy là đủ. Tôi không mong cầu gì cao sang, chỉ ước mong con Tiến luôn khỏe, có một mái nhà riêng cho mình. Có như vậy sau này chết đi, gặp má nó tôi cũng không thẹn với lòng", bà nói.