Doanh nghiệp

Đại gia điện máy Thái Lan lỗ cả tỉ đồng mỗi ngày tại Việt Nam

Công ty CP Tập đoàn Casper Việt Nam vừa công bố tình hình tài chính năm 2022 với lợi nhuận sau thuế âm 467 tỉ đồng. Tính ra mỗi ngày, doanh nghiệp này lỗ hơn 1 tỉ đồng. Trong khi đó, vào năm trước, công ty điện máy Thái Lan này vẫn có lãi 61 tỉ đồng.

Theo đó, vốn chủ sở hữu của Casper Việt Nam sau một năm giảm gần một nửa, còn 531 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ 6% xuống -87,9%; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 2,3 lần lên 5,64 lần. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ từ 0 tăng lên 0,56 lần do vào tháng 6-2022, Casper Việt Nam phát hành lô trái phiếu có giá trị 300 tỉ đồng với kỳ hạn 36 tháng. Trái phiếu có lãi suất phát hành 11%/năm, kỳ hạn trả lãi 6 tháng/lần. Trong năm ngoái, công ty đã chi hơn 16 tỉ đồng để trả lãi.

Casper là thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan, có mặt ở Việt Nam từ năm 2016. Công ty có mạng lưới chi nhánh và hệ thống phân phối tại nhiều thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Brunei, Campuchia, Lào. Thời gian đầu, công ty tập trung mạnh thị trường máy lạnh, có mặt tại các chuỗi bán lẻ điện máy lớn.

Casper dùng chiến lược giá rẻ, thời gian bảo hành dài, áp dụng nhiều khuyến mãi để nhắm tới phân khúc khách hàng bình dân.

Hiện các sản phẩm Casper có mặt tại Việt Nam khá đa dạng, từ máy lạnh đến tủ lạnh, tivi, máy giặt, máy lọc không khí, máy sấy, nồi cơm điện…

Đại gia điện máy Thái Lan lỗ cả tỉ đồng mỗi ngày tại Việt Nam - 1

Máy lạnh Casper có mức giá cạnh tranh với các hãng khác

Theo ông Ngô Kiến Thông - giám đốc kinh doanh một siêu thị điện máy tại quận 5, TP HCM - Casper là thương hiệu mới, còn lạ với người tiêu dùng trong nước. Để cạnh tranh, bán được hàng, Casper buộc phải đưa ra giá bán với mức thấp cũng như thường xuyên giảm giá mạnh và nhiều ưu đãi khác. Do đó, việc Casper lỗ lã tại thị trường Việt Nam cũng là chuyện bình thường.

Theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường GfK công bố hồi tháng 2-2023, Casper chiếm 16% thị phần máy điều hòa ở Việt Nam, đứng thứ ba sau Panasonic và Daikin. Ở mảng tivi, thương hiệu này đứng thứ 5.

Thông tin từ SSI Research cho thấy chi tiêu cho điện thoại và điện máy năm nay sẽ giảm 10% so với năm 2022. Lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm