Doanh nghiệp

Ba chiến lược khi gia nhập thị trường mua trước trả sau

Mua trước trả sau (Buy now pay later - BNPL) là phương thức cho phép người dùng mua sắm ngay lập tức, sau đó chia nhỏ khoản tiền và thanh toán dần trong một khoảng thời gian. Tại Việt Nam, mô hình này đang có dấu hiệu tăng trưởng, với ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, theo ông Phạm Nam Anh, bên cạnh sự tăng trưởng, là những thách thức về tính cạnh tranh cao, vấn đề minh bạch, hay quản lý rủi ro tín dụng mà các công ty cần vượt qua để khẳng định vị thế.

Các công ty cần vượt qua nhiều thách thức trong thị trường BNPL (Ảnh: HENO)

Các công ty cần vượt qua nhiều thách thức trong thị trường BNPL (Ảnh: HENO)

Thực tế, không ít người tiêu dùng do dự khi sử dụng các dịch vụ BNPL vì lo ngại về các khoản phí ẩn, lãi suất cao và khả năng rơi vào vòng xoát tài chính. "Doanh nghiệp mới tham gia thị trường cần xây dựng lòng tin với người tiêu dùng bằng cách minh bạch khoản phí và lệ phí, cũng như cung cấp thông tin rõ ràng về các chính sách và thông lệ cung cấp dịch vụ", ông Nam Anh nhấn mạnh.

Hay với khía cạnh quản lý rủi ro, về bản chất, ngành BNPL dựa vào việc cho người tiêu dùng trả chậm, điều này tạo ra rủi ro tài chính cố hữu. Những đơn vị mới tham gia thị trường cần phát triển các quy trình quản lý rủi ro chặt chẽ để đảm bảo đang cung cấp dịch vụ một cách có trách nhiệm và quản lý mức độ rủi ro hiệu quả. "Điều này bao gồm phát triển các thuật toán và quy trình đánh giá tín nhiệm nhiều lớp để đánh giá mức độ tin cậy và khả năng chi trả của người tiêu dùng, cũng như thiết lập các chính sách và thông lệ rõ ràng xung quanh việc không thanh toán đúng hạn và bồi hoàn khoản trả chậm quá hạn", Giám đốc vận hành HENO nói thêm.

Ông Phạm Nam Anh, Giám đốc vận hành HENO.

Ông Phạm Nam Anh, Giám đốc vận hành HENO.

Trước những thách thức trên, vị giám đốc vận hành đưa ra giải pháp để doanh nghiệp gia nhập thị trường BNPL hiệu quả.

Khác biệt. Để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường, các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt và cung cấp các dịch vụ mới, được cá nhân hóa. Bằng cách nhắm mục tiêu thị trường thích hợp hoặc cung cấp dịch vụ tùy chỉnh, các công ty có thể thu hút và giữ chân khách hàng.

Về phía HENO, ông Nam Anh cho biết, nhận thấy nhu cầu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cùng với đội ngũ sáng lập đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như fintech, HENO tập trung trở thành một giải pháp thanh toán trả sau để người dùng có thể trải nghiệm các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe mà không phải chờ đợi.

Đầu tư công nghệ. Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến, các công ty có thể tạo giao diện thân thiện với người dùng và mang đến cho khách hàng trải nghiệm liên tục. Các công nghệ này có thể bao gồm hệ thống thanh toán điện tử, các phương thức xác thực thông tin khách hàng và công cụ quản lý dữ liệu.

Tìm kiếm đối tác tài chính và chiến lược. Hợp tác với các doanh nghiệp hiện có hoặc xây dựng liên minh chiến lược có thể giúp những doanh nghiệp mới tham gia nhanh chóng giành được chỗ đứng trên thị trường. Các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm đối tác tài chính phù hợp như các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc các công ty tài chính. "Điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn tài chính và tiết kiệm chi phí", ông Nam Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc hợp tác còn giúp cho các công ty chia sẻ các nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao cũng như tận dụng lợi thế của đối tác để củng cố và mở rộng mạng lưới kinh doanh bằng việc giảm thiểu chi phí và tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường.

Là đơn vị sở hữu nhiều con số thành tích, kết quả kinh doanh tốt, HENO cho biết sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ các doanh nghiệp nhằm xây dựng một hệ sinh thái mua trước trả sau phát triển bền vững. "Với kinh nghiệm xây dựng hệ thống, nền tảng sẵn có, chúng tôi đang lên kế hoạch bổ sung một sản phẩm mua trước trả sau mới, hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển cho thị trường BNPL", Giám đốc vận hành tại HENO chia sẻ.

Những năm gần đây, hình thức thanh toán mua trước trả sau (BNPL) ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Theo ResearchAndMarkets, việc áp dụng thanh toán BNPL dự kiến tăng trưởng đều đặn, dự báo ghi nhận tốc độ CAGR là 31,1% trong giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng từ 1.447,1 triệu USD vào năm 2022 lên 8.820,6 triệu USD vào năm 2028.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường BNPL tại Việt Nam, theo nghiên cứu này là dân số trẻ và am hiểu công nghệ, những người thích các phương thức thanh toán linh hoạt và thuận tiện hơn. Ngoài ra, Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm BNPL. "Nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày tăng, nhất là với những sản phẩm có giá trị lớn như điện thoại, máy tính, đồ gia dụng, ô tô, xe máy, hay các dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ, làm đẹp", ông Nam Anh nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm