Thời sự

Tốc độ phục hồi ngành sản xuất của Việt Nam nhanh hay chậm hơn so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia?

Sản xuất của Việt Nam và Malaysia bị thu hẹp

Theo số liệu từ S&P Global, trong nhóm 6 nước ASEAN, Việt Nam và Malaysia là hai nền kinh tế có chỉ số PMI ngành sản xuất dưới 50 điểm trong tháng 3.

Cụ thể, chỉ số sản xuất PMI của Việt Nam đạt 47,7 điểm trong tháng 3, giảm so với 51,2 điểm của tháng 2. Đây là tháng thứ tư PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong 5 tháng qua. 

Báo cáo của S&P Global cũng cho biết, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm.  Chỉ số sản xuất PMI cho thấy sự suy giảm các điều kiện kinh doanh vẫn duy trì và việc đà tăng trưởng dừng lại trong tháng 3 nhìn chung đã phản ánh bức tranh nhu cầu ảm đạm.    

 

Với Malaysia, chỉ số PMI tháng 3 của nước này tăng nhẹ lên 48,8 điểm từ 48,4 điểm trong tháng 2. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số PMI của Malaysia dưới ngưỡng 50 điểm. Dù vậy, báo cáo từ  S&P Global cho biết chỉ số tăng nhẹ trong tháng 3 đã chấm dứt đà giảm liên tiếp từ tháng 9 năm ngoái. Đơn đặt hàng mới vẫn giảm nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể kể từ tháng 10/2022. Lạm phát giá đầu vào giảm xuống mức thấp nhất trong 34 tháng.

Với những dữ liệu có được, các chuyên gia kinh tế tại S&P Global nhận định ngành sản xuất của  Malaysia còn một chặng đường dài phải đi đến khi nhu cầu bên ngoài phục hồi hoàn toàn. 

 

Ngành sản xuất của Myanmar phục hồi ấn tượng nhất

Xét trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, Myanmar là nền kinh tế có tốc độ phục hồi ngành sản xuất ấn tượng nhất. Liên tiếp những tháng cuối năm 2022, chỉ số PMI của nước này dưới ngưỡng 50 điểm, sau đó phục hồi lên hơn 49 điểm trong tháng 1/2023, đạt hơn 51 điểm trong tháng 2 và vọt lên  55,5 điểm trong tháng 3 vừa qua - cũng là mức cao nhất trong nhóm 6 nước ASEAN.

Theo S&P Global, tăng trưởng sản xuất của Myanmar mạnh nhất trong 7 năm kể từ khi tổ chức này tiến hành khảo sát. "Sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ gần như kỷ lục" - báo cáo cho biết. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tại đây cho biết sự tăng trưởng ngoạn mục này do nhu cầu của khách hàng gia tăng và đơn đặt hàng mới tăng mạnh từ cả những khách hàng cũ.

Tuy nhiên, khan hiếm nguyên vật liệu vẫn là nỗi lo, kết hợp với nhu cầu gia tăng, áp lực lên lạm phát cũng gia tăng theo. Chi phí sản xuất đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi báo cáo mức cao kỷ lục vào tháng 9 năm ngoái. 

Cùng với Myanmar, Indonesia là nền kinh tế thứ 2 trong nhóm 6 nước ASEAN có chỉ số PMI tăng trong tháng 3. Cụ thể, PMI nước này đạt 51,9 điểm (tháng 2 đạt 51,2 điểm) với tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất nhanh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của Indonesia cũng tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng trở lại đây. Mặc dù đơn hàng xuất khẩu mới vẫn giảm trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu, nhưng mức giảm rất nhẹ.

PMI của Philippines và Thái Lan giảm, nhưng vẫn trên ngưỡng 50 điểm 

Hai nền kinh tế còn lại là Philippines và Thái Lan đều có chỉ số PMI giảm trong tháng 3, nhưng vẫn trên ngưỡng 50 điểm. 

Cụ thể, PMI của Thái Lan đã đăng 53,1 vào tháng 3, giảm từ 54,8 vào tháng 2, báo hiệu sự tăng trưởng chậm lại đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất vẫn đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp mà ngành sản xuất Thái Lan mở rộng và với một trong những tốc độ nhanh nhất được ghi nhận.

Mặc dù tốc độ mở rộng giảm bớt từ kỷ lục của tháng 2 (PMI đạt 54,8 điểm), PMI tháng 3 của Thái Lan vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình và báo hiệu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. S&P Global nhận định ngành sản xuất của Thái Lan được hỗ trợ chủ yếu bởi các đơn đặt hàng cũ do lượng đơn đặt hàng mới đã giảm nhẹ trong tháng 3.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm