Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online, liên quan đến việc một số doanh nghiệp bỏ thầu gạo xuất khẩu giá thấp.
Theo ông Cường, vấn đề này cần khép lại nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam phải ngồi lại với doanh nghiệp thành viên cũng như cơ quan quản lý nhà nước liên quan để định hướng, tìm ra một hướng đi cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu, tạo dựng hình ảnh hạt gạo Việt Nam.
Không ảnh hưởng quyền lợi người nông dân
* Vừa qua có những lo ngại liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam bỏ thầu giá gạo xuất khẩu thấp, quan điểm của ông như thế nào về việc này?
- Chúng tôi cũng có thông tin về 4 công ty tham gia đấu thầu cung cấp gạo cho Indonesia và giá bỏ thầu được dư luận cho rằng là thấp. Tuy nhiên quan điểm của tôi là công ty sinh ra để tìm kiếm lợi nhuận, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, không một doanh nghiệp nào chủ ý bỏ giá thấp để mình thua lỗ.
Việc bỏ thầu của công ty phụ thuộc vào vấn đề tài chính, tín dụng, nguồn hàng và có thể họ có những dự báo về nguồn cung, giá gạo trong nước cũng như thế giới thời gian tới.
Cũng phải nói thêm rằng giá này không phải giao ngay vào thời điểm bỏ thầu mà sẽ giao trong khoảng từ tháng 7-8. Khi đó giá lúa gạo Việt Nam và thế giới có thể sẽ thay đổi nên việc đánh giá doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp hay giá cao rất khó.
* Việc bỏ thầu giá xuất khẩu thấp liệu ảnh hưởng tới lợi nhuận của người trồng lúa và tác động giá lúa gạo trong nước không?
- Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, còn 5 tháng đầu năm nay chúng ta đã xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo. Trong đợt đấu thầu này, có 4 công ty chúng ta trúng thầu khoảng 130.000 tấn gạo, với lượng và giá đấu thầu như vậy liệu có ảnh hưởng đến giá lúa gạo hay không thì cần phải đánh giá kỹ lại, nhưng quan điểm của tôi cho rằng không có tác động đáng kể.
Đối với lợi nhuận người trồng lúa, tôi cho rằng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bán giá cao thì sẽ mua lúa của nông dân với giá cao hay doanh nghiệp bán giá thấp thì mua lúa nông dân với giá thấp. Việc mua bán lúa với nông dân là tuân theo thị trường. Do vậy, tôi cho rằng việc bỏ thầu của 4 doanh nghiệp vừa rồi không ảnh hưởng quyền lợi người nông dân.
Cùng ngồi lại để tìm hướng đi chung cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam
* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn của sự việc này?
- Ngành hàng lúa gạo có khoảng 200 doanh nghiệp và có nhiều doanh nghiệp nhỏ, không có liên kết dẫn đến chi phí có thể cao, giá thành cao và tự cạnh tranh lẫn nhau.
Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta nên khép lại các cuộc tranh cãi và các bên phải ngồi lại với nhau để thảo luận, tìm giải pháp để tìm ra một hướng đi cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu để tạo hình ảnh chung hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chúng ta phải cùng nhau đoàn kết, thống nhất để bước chân ra thị trường quốc tế chứ không thể sa đà và những vụ việc như vừa rồi.
* Hiện có Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo, ngoài việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, thì hiệp hội cũng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi ngành hàng lúa gạo quốc gia?
- Đúng vậy, các hiệp hội này cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc xây dựng sức mạnh tập thể cho ngành hàng.
Qua sự việc này, hai hiệp hội phải họp lại với các thành viên của mình với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để khắc phục những hiện tượng như vậy. Đồng thời để thảo luận, tìm ra những giải pháp để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, đảm bảo lợi ích ba bên nông dân, doanh nghiệp và hình ảnh ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiệp hội cần cân nhắc đưa ra thông tin ở các mức độ khác nhau làm sao phù hợp với tổng thể chung của ngành hàng lúa gạo Việt Nam để đảm bảo tính minh bạch nhưng cũng đảm bảo quyền lợi và định hướng chung của ngành hàng.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì phải tuân thủ những quy định của Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu gạo cũng như tuân thủ quy định của WTO và đảm bảo quyền lợi nông dân và quyền lợi khách hàng.
Giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 20%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ cả về giá và lượng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, đến hết tháng 5 chúng ta xuất khẩu được 4,15 triệu tấn gạo (tăng gần 15%), thu về 2,65 tỉ USD (tăng 38%). Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm cũng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước đạt 638 USD/tấn.
Dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo.