Sáng 20/11, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại khu vực ngã tư Lê Văn Lương - Láng (Hà Nội) giữa ô tô Mercedes với 2 xe máy và 1 xe đạp làm 1 người tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng.
Theo đó, danh tính nữ tài xế lái xe Mercedes GLC 250 gây tai nạn liên hoàn được xác định là Vũ Thị Hồng Thái (47 tuổi, ở quận Cầu Giấy). Bà Thái được xác định không sử dụng bia, rượu khi lái xe ở thời điểm gây tai nạn.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, trên mạng xã hội liên tục bàn tán, phân tích về nguyên nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo một số hình ảnh được ghi lại tại hiện trường, ngay khi xuống khỏi ô tô, người phụ nữ điều khiển xe có đi giày cao gót. Nguyên nhân vẫn đang điều tra nhưng rõ ràng việc đi giày cao gót khi lái xe rất nguy hiểm.
Ngay lập tức, nhiều người nhớ ngay đến vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) vào tháng 10/2018 khiến 1 người tử vong, 5 người khác bị thương. Nguyên nhân là do nữ tài xế nhầm chân ga với chân phanh, người này cũng đi giày cao gót.
Sau vụ tai nạn trên, mạng xã hội liên tục chia sẻ về những bài viết nói lên mối nguy hiểm khi đi giày cao gót lái xe.
Biết rằng những đôi giày cao gót chỉ là vật vô tri, không thể là tác nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe ô tô lại chính là "gót chân tử thần”, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tham gia giao thông. Bởi chỉ trong khoảnh khắc luống cuống vì gặp tình huống bất ngờ, việc đi giày cao gót rất dễ gây vướng víu hoặc có thể nhầm lẫn chân ga và chân phanh.
Nhiều người cho rằng nên chuẩn bị sẵn một đôi giày thể thao hoặc giày bệt trên ô tô mỗi khi lái xe, thậm chí có thể đi chân đất để đảm bảo an toàn. Ảnh minh hoạ
Trước vụ việc trên, chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Hoàng Dung - người hàng ngày lái xe đi làm bằng ô tô cũng bày tỏ quan điểm cho rằng việc mang giày cao gót khi điều khiển ô tô sẽ rất nguy hiểm.
"Mang giày cao gót sẽ rất khó kiểm soát độ chênh giữa bàn đạp chân ga và thắng. Nhất là phụ nữ, nếu lúc bị mất tập trung, sẽ rất dễ đạp nhầm chân ga. Và độ cao của giày cao gót sẽ khiến mình đạp mạnh chân ga hơn thay vì nhả nó ra".
Tuy nhiên, chị Dung không cho rằng trình độ cũng như khả năng tập trung của phụ nữ kém hơn đàn ông. Nhưng phụ nữ lại hay gặp phải khó khăn trong vấn đề trang phục và giày dép.
"Nhiều phụ nữ rất thích mang giày cao gót vì đẹp, thời trang lại hợp với trang phục và từng công việc nhất định. Họ có thể bỏ kèm một đôi dép chỗ lái để thay giày cao gót, tuy vậy mình cho rằng điều đó cũng không hẳn tốt bởi theo cá nhân mình mang dép cảm giác của chân khi đạp ga và thắng luôn không chuẩn. Và nếu xảy ra sự cố cần xử lý, phụ nữ sẽ rất dễ bị rối loạn và đạp nhầm chân ga thay vì thắng.
Khi đi học lái xe, thi bằng lái, phụ nữ luôn được nhắc nhở là không được mang giày cao gót và phải mặc trang phục gọn gàng (tốt nhất là quần Jean) mang giày thể thao có độ cảm nhận bàn chân tốt nhất".
Bên cạnh đó, chị Dung cũng lên tiếng nhắc nhở mọi người để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông thì các chị em nên mang giày sneaker khi lái xe. Hoặc nếu đi giày cao gót thì nên chuẩn bị thêm một đôi giày để sẵn ở chỗ ghế phụ để sẵn sàng thay khi chuẩn bị lái xe.
Cũng như chị Dung, chị Trà Giang (Hà Nội) cũng cho biết, thỉnh thoảng do tính chất công việc nên chị cũng phải sử dụng giày cao gót. Tuy nhiên, trên ô tô chị luôn để sẵn một đôi giày sneaker để thay ra mỗi khi lái xe để đảm bảo an toàn.
"Vụ tai nạn xảy ra ở đường Lê Văn Lương thực sự khiến mình phải suy nghĩ và không khỏi lo lắng, cảm thấy có thể mình sẽ mắc phải những lỗi ấy và lái xe cũng run hơn bình thường. Nhưng đó cũng là bài học để mình rút kinh nghiệm".
Chị Trà Giang cho biết, chị luôn chuẩn bị sẵn một đôi sneaker bên ghế phụ để thay mỗi khi lái xe
Theo chị Giang thì khi đi học lái xe trong phần thi lý thuyết hay thực hành đều không có đề cập đến yếu tố trang phục, giày dép khi lái xe ra sao. Tuy nhiên, thầy giáo luôn nhắc nhở học viên để đảm bảo an toàn.
Chị Giang cũng khẳng định, nếu quên không mang theo đôi giày bệt trên xe chị sẵn sàng đi chân đất để lái xe an toàn. "Để an toàn và thật chân, mọi người nên mang theo một đôi giày bệt dự phòng trên xe, còn trong trường hợp bị quên thì có lẽ sẽ đi chân đất. Bên cạnh đó, khả năng xử lý tình huống của con gái luôn không được chủ động lắm, nếu có sự cố bất ngờ đến đường phố thì sẽ rất luống cuống, không bình tĩnh được".
Chị Giang khẳng định việc đi giày cao gót khi lái xe rất nguy hiểm và việc chuyển chân phanh và chân ga rất khó khăn
Còn như chị Bùi Yến (nhân viên truyền thông) thì mỗi khi quên không mang sẵn đôi giày bệt trên xe thì chị thường tháo giày cao gót và sẵn sàng đi chân đất để đảm bảo an toàn.
"Vụ tai nạn khá nghiêm trọng một phần do yếu tố chủ quan của lái xe cũng như là yếu tố tâm lý không kịp xử lý sự cố gặp phải khi lưu thông trên đường. Mình từng thử đi giày cao gót khi lái xe nhưng thấy việc chuyển chân phanh và chân ga hay bị nhầm lẫn về cảm giác và không xử lý linh hoạt được", chị Yến cho biết.
Chị Yến cũng cho biết, nếu vô tình không mang theo đôi giày bệt dự phòng thì chị thường đi chân đất để lái xe nhằm đảm bảo an toàn
Không những thế, chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều chị em cũng nhận định rằng việc sử dụng giày cao gót gây rất nhiều khó khăn khi lái xe, đặc biệt là việc cảm nhận chân ga và chân phanh cũng khó hơn.
Như chị H.N.H cũng chia sẻ từ khi bắt đầu lái xe đến nay đã 8 năm nhưng chị đều đi chân đất mỗi khi lái xe để đảm bảo an toàn. "Nói lại bảo nhà quê chứ em lấy bằng lái xe từ năm 2012 đến giờ mà chưa bao giờ lên xe mà mình dám đi cái gì ở chân cả, toàn đi chân đất thôi. Mùa đông mà đi boot rồi tất các kiểu nhưng cứ lên xe là tháo ra, chỉ cần đi đôi tất mỏng thôi cũng cảm thấy chân không được thật nên 8 năm cầm vô lăng đi các nơi nhưng toàn lái bằng chân đất. Mỗi người một thói quen nhưng đúng là đi giày cao gót mà lái xe thì nguy hiểm thật".
Dẫu vậy, nhưng nhiều người cho rằng việc đổ lỗi cho giày cao gót là nguyên nhân gây ra tai nạn là chủ quan, yếu tố chính vẫn do những người lái xe như tâm lý không ổn định, hoảng loạn hoặc xử lý tính huống không nhạy bén.
"Nể mấy người nói "bán xăng cho phụ nữ là tội ác", theo mình thì cái chính là do ý thức của người lái xe thôi, còn dù là nam hay nữ mà không tỉnh táo, xử lý tình huống khéo thì cũng gây tai nạn. Mình là con gái và đúng là hôm nào đi giày cao gót hay đi boot cao thì toàn phải bỏ giày ra đi chân đất vì đi giày cao gót cảm nhận chân ga chân phanh khó hơn là đúng. Đi chân đất đạp là cảm giác thật nhất nhưng đi lâu rất mỏi", một tài khoản khác chia sẻ quan điểm.
Sau nhiều vụ tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra mà nguyên nhân chính lại do phụ nữ đi giày cao gót gây ra, nhiều người không quên đưa ra ý kiến đề nghị cấm phụ nữ lái ô tô không được đi giày cao gót để đảm bảo an toàn và hạn chế những vụ việc đáng tiếc.