Gần đây, nhiều người thường than phiền với tôi rằng mình rất nghèo, một tháng làm được bao nhiêu liền xài hết, không dư được đồng nào để tiết kiệm. Điều đó khiến họ rất lo lắng.
Chuyện này cũng khiến tôi nhớ lại một việc, đây cũng là bài học quý giá dành cho những bạn trẻ hay tiêu tiền hoang phí.
Bạn cấp ba của tôi, Ngọc Mỹ, năm nay đã 30 tuổi, ban ngày làm tiếp tân khách sạn, tối đến đi phục vụ nhà hàng. Nghe đến đây, chắc mọi người đều sẽ thấy, cô ấy nỗ lực làm nhiều việc như vậy, thu nhập mỗi tháng chắc chắn không thành vấn đề, và mức sống cũng không đến nỗi quá kém.
Nhưng mấy hôm trước, cô ấy đột nhiên đến tìm tôi xin mượn tiền. Cô ấy bảo ba cô ấy bệnh nặng, cần tiền gấp, bảo tôi mau chóng gửi tiền tiết kiệm của mình cho cô ấy.
Sau khi ba cô ấy làm phẫu thuật xong xuôi hết, tôi mới hỏi cô ấy: "Bình thường thấy cậu làm nhiều việc, kiếm được nhiều tiền như vậy, tại sao ngay cả 5 triệu tiền tiết kiệm cũng không có thế?"
Nhưng chưa đợi cô ấy trả lời, chỉ cần nhìn qua những vật dụng cô ấy đang mang trên người, tôi đã biết được nguyên nhân.
Hóa ra làm được bao nhiêu tiền cô ấy đều tiêu hết bấy nhiêu. Nào là iPhone 11, nào là túi xách LV,... Tuy gia cảnh cô ấy không giàu có gì, nhưng cô ấy lại rất biết cách "tiêu tiền." Đồ nào hàng hiệu cũng phải sắm về tay.
Đi làm nhiều, nhưng cũng xài nhiều, lại không có thói quen tiết kiệm. Đến khi gặp chuyện không may xảy ra, cô ấy chẳng còn đồng nào để xoay xở, chỉ biết cầu cứu những người quen biết.
Tiết kiệm tiền không còn là chủ đề xa lạ gì với mọi người, nhưng đã là người trưởng thành rồi, bạn nhất định phải học cách tiết kiệm tiền, chi tiêu khoa học.
Tại sao càng tiết kiệm tiền sớm càng tốt?
Trong quyển sách "Cha giàu cha nghèo" từng nói: "Trên thế giới, có rất nhiều người nghèo có tài."
Có nhiều người, không phải do bất tài nên nghèo hoài, mà là do tiêu xài quá phung phí, không giới hạn.
Nhưng trong xã hội hiện nay, không có tiền thật sự rất khó sống. Khi bạn gặp phải chuyện cấp bách gì đó cần tiền gấp mà trong túi lại không còn đồng nào. Dù được người ta cho từng đồng đi nữa cũng sẽ cảm thấy mừng muốn rơi nước mắt.
Vậy nên, hãy học cách tiết kiệm tiền từ sớm. Bởi nó sẽ giúp bạn trong 3 trường hợp sau đây:
Một: Giúp những người mới đến nơi làm việc có thể nhanh chóng tích lũy vốn cho riêng mình.
Dù sau này bạn muốn ra riêng kinh doanh hay muốn đi du lịch, đầu tư đi nữa, trong túi cũng đã có sẵn một khoản tiền nhất định, không cần phải quá lo lắng về vấn đề tiền bạc.
Đặc biệt, đối với những nhân viên văn phòng bình thường mà nói, càng sớm gia nhập và hoàn thành xong giai đoạn "dùng sức kiếm tiền" hoặc "dùng trí kiếm tiền", bạn mới có thể càng nhanh tiến lên giai đoạn cao hơn "dùng tiền kiếm tiền."
Hai: Tiết kiệm tiền có thể chống lại rủi ro
Không có công việc nào là "ổn định" suốt đời, dù là những nhân viên lâu năm, đầy kinh nghiệm ở chốn công sở đi nữa, cũng phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp mọi lúc mọi nơi. Mà khi gặp phải trường hợp này rồi, tiền tiết kiệm lại trở thành cái "phao cứu hộ", giúp chúng ta chống lại rủi ro.
Ba: Tiết kiệm tiền giúp chúng ta có cảm giác an toàn và hình thành tính kỉ luật.
Đa số ai cũng vậy, có càng nhiều tiền, càng cảm thấy an toàn. Do đó có vài người, để có cảm giác an toàn, họ đã hình thành một thói quen, đó là : Tiết kiệm tiền.
Tiền tiết kiệm chính là con đường lui sau này mà bản thân tự chừa lại cho mình. Nhờ việc tiết kiệm, họ không chỉ cảm thấy an tâm hơn, mà còn thấy chính mình đang sống có tính kỉ luật hơn.
Bởi lẽ trước khi mua sắm cái gì, họ sẽ biết cân nhắc kĩ, cái nào cần, cái nào không. Giúp họ vừa bỏ được thói quen mua sắm lung tung, tiêu xài hoang phí, vừa tập được thói quen "sống tối giản" và cách bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận trong mọi tình huống.
Vậy làm sao để chúng ta có thể tiết kiệm tiền
Một: Hình thành thói quen tự "quản lý tài chính"
Thực ra, quản lý tài chính cũng giống như quản lý thời gian, nếu bạn không để tâm, vậy mỗi đồng tiền sẽ theo đó mà thất thoát hết. Vậy nên, làm việc gì cũng phải chuyên tâm, cẩn thận và chăm chỉ.
Thống kê là cách tốt nhất để quản lý tài chính. Như vậy chúng ta có thể biết rõ tiền chi cho cái gì, sử dụng với mục đích nào, và từ đó tự lên kế hoạch để sau này bản thân có thể chi tiêu hợp lý hơn!
Có nhiều người cho rằng: "Tiền này do tôi làm ra, tôi thích xài thế nào tôi xài!"
Đúng, là tiền bạn làm ra, tôi không có quyền can thiệp. Nhưng mong rằng bạn có thể sử dụng tiền một cách khoa học hơn, không cần lãng phí quá nhiều vào những thứ đồ mình không xài hoặc những việc không cần thiết.
Thay vi dùng hết tiền để nạp thẻ game, mua quần áo, đồ trang điểm, chi bằng lấy ra một ít để dành tiết kiệm, để đi khám sức khỏe định kì, để học thêm vài thứ mới nâng cao khả năng, hoặc là mua dụng cụ thể thao, rèn luyện, duy trì sức khỏe.
Hai: Quy tắc tiết kiệm 52 tuần
Quy tắc này rất đơn giản: Tuần đầu tiên bỏ heo 10k, tuần thứ hai bỏ nhiều hơn là 20k. Đến tuần thứ ba lại tăng lên thành 30k...Cuối cùng, tuần thứ 52 sẽ bỏ 520k.
Như vậy, hết 52 tuần, bạn đã có được gần 14 triệu tiền tiết kiệm rồi!
Dĩ nhiên, cũng có người đang nghĩ rằng, tôi không có nhiều tiền như vậy thì phải làm sao?
Thực ra, bạn chỉ cần học theo quy tắc cách làm, còn việc chọn bỏ bao nhiêu tiền trong ngày bắt đầu là tùy vào khả năng hoặc suy nghĩ của bạn thôi.
Ba: Gửi ngân hàng
Gửi ngân hàng có một cái lợi đó chính là có thể sinh lãi mỗi tháng. Nếu bạn đang có một công việc ổn định và đủ sống, hãy cố gắng gửi ít nhất 10% số tiền lương mỗi tháng vào sổ tiết kiệm, còn 90% còn lại dùng để trang trải cho các chi tiêu hằng ngày.
Nếu làm được tốt một trong những điều này, bạn sẽ nhận ra nó không phải là việc quá khó khăn gì. Hơn nữa, nó còn có thể giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lúc đầu có thể sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng nếu bạn có thể kiên trì được, nó sẽ có lợi rất lớn cho bước đường sau này của bạn!