Công ty danh tiếng Basecamp vừa mới thông báo có 5 vị trí trống, mỗi vị trí nhận được 4000 người xin việc. Bạn đã tưởng tượng được sức cạnh tranh rồi chứ? Là một trong 4000 đơn ứng tuyển, bạn nghĩ chỉ kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ sẽ đủ giúp bạn vượt mặt 3999 ứng viên còn lại?
Nhảy việc không còn là khái niệm xa lạ với chúng ta, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng là "chuyên gia" trong việc gây ấn tượng với nhà tuyển dụng để giành được vị trí bạn ao ước, nhất là khi phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn. Và nếu những ưu điểm "truyền thống" không còn đủ, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến những cách độc đáo hơn khiến các nhà tuyển dụng không thể làm ngơ trước bộ hồ sơ của bạn.
1 – Không phải Résumé nào cũng nên theo một quy chuẩn
Trong khi một bản résumé chuẩn mực thường chỉ là danh sách bằng cấp, vị trí, kỹ năng của bạn. Nhưng bạn có biết, một resume khác biệt hơn thường sẽ có xu hướng trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng không?
CEO của công ty Basecamp Jason Fried từng nói rằng, ông đặc biệt có ấn tượng với hồ sơ xin việc có nêu lý do tại sao họ bỏ công việc trước đó. Với những công việc đặc biệt đòi hỏi sự sáng tạo, những bản resume được thiết kế thiên về thị giác như infographic, video hay tương tác chắc chắn sẽ thu hút nhanh chóng sự chú ý của những nhà tuyển dụng vốn đã phát ngán với những bản hồ sơ vô hồn và không thể hiện được quá nhiều cá tính của ứng viên.
2 – Bạn thậm chí còn có thể dùng mạng xã hội để quảng cáo cho chính mình
Những trang mạng xã hội như LinkedIn và Facebook giờ đây có những chức năng giúp hồ sơ của bạn đến được với những nhà tuyển dụng bạn đang hướng đến với chi phí không hề đắt đỏ chút nào. Nói cách khác, bạn đang tự thực hiện chiến dịch quảng cáo cho chính mình trên mạng xã hội, và biết đâu nhà tuyển dụng nào đó có thể đặc biệt hứng thú với sự tự tin và nhanh nhạy trong việc ứng dụng mạng xã hội của bạn thì sao?
3 – Làm bất cứ công việc gì có liên quan đến công ty đó
Thậm chí điều này có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ làm việc không công, và thậm chí sẽ mất một thời gian để nhà tuyển dụng công ty đó nhận ra sự tồn tại của bạn.
Regan Starr là một ứng viên kì quặc. Anh rất muốn làm việc cho công ty Zapier – một trong những công ty chuyên về dịch vụ website lớn nhất thế giới, nhưng thay vì gửi đơn ứng tuyển như thông thường, anh bắt đầu tạo nên một trang web cá nhân nhằm hướng dẫn và trả lời các câu hỏi mà người dùng Zapier đăng trên Twitter. Sau 78 ngày làm không công, anh đã được tuyển dụng vào vị trí Hỗ trợ kỹ thuật của Zapier. Bạn có ý tưởng cho riêng mình rồi chứ?
4 – Chủ động tiếp cận nhà tuyển dụng
Bạn sẽ cần chút khả năng "điều tra" để tìm ra thông tin liên lạc (email hay số điện thoại) của nhà tuyển dụng trực tiếp của bạn để gọi điện hay viết email cho họ. Đây là cách được chứng minh là khá hiệu quả, và dù bạn có thể không có được công việc ưng ý, nhưng khả năng cao nhà tuyển dụng sẽ có hứng thú giới thiệu bạn tới vị trí khác, hay với những người khác có thể sẽ có hứng thú với bạn. Bởi bản chất việc bạn tìm đến nhà tuyển dụng đã đủ cho thấy bạn tự tin với năng lực của bản thân và không e ngại tiếp xúc trực tiếp với họ ngay từ bước đầu tiên.
5 – Thuyết phục nhà tuyển dụng tạo ra công việc cho bạn
Cách tốt nhất nếu bạn không muốn phải cạnh tranh với hàng trăm ứng viên giống mình. Bạn có thể sẽ cần sự kiên nhẫn và chờ đến đúng thời điểm, nhưng hãy tin rằng kỹ năng và kinh nghiệm đặc biệt của bạn có thể sẽ hữu dụng với nhà tuyển dụng bạn đang hướng tới, dù chính họ chưa nhận ra cho đến khi bạn có thể chỉ ra cho họ.
Hãy kết nối kỹ năng của bạn với khía cạnh mà công ty đó còn thiếu hay có thể phát triển thêm. Điều này không chỉ cho thấy tầm nhìn mà còn giá trị của bạn.