1. Đánh giá thấp các kỹ năng mềm
Những người học hành giỏi giang, suốt ngày chỉ cặm cụi, vùi mình vào những cuốn sách dày cộm, những mớ lí thuyết xa rời thực tiễn mà bỏ qua những kĩ năng mềm cần có khi bước chân ra xã hội để làm việc.
Họ đề cao trí óc, tự tin về sự thông minh và kiến thức bao la của mình, nhưng lại quên hoặc coi nhẹ việc bổ sung vào hành trang của mình các kỹ năng như giao tiếp với đồng nghiệp, cách tạo mối quan hệ, cách xử lý tình huống, cách đối nhân xử thế… Vì thế cho nên, khó có thể thăng tiến trong công việc dù có làm việc giỏi đến đâu.
2. Đầy lí thuyết nhưng yếu ở khâu thực hành
Thời sinh viên, họ có thể luôn nằm trong top đầu của lớp, của khoa, và thậm chí là thủ khoa đầu ra. Thế nhưng, trường học dạy ta kiến thức từ vi mô đến vĩ mô, nhưng xã hội lại gạt phăng mớ kiến thức ấy đi, bắt ta họ phải sớm lao vào thực hành.
Học giỏi và muốn thành công thì phải vận dụng kiến thức mình tích lũy được đúng lúc đúng nơi, chứ chỉ lý thuyết giỏi nhưng khi áp dụng vào thực hành lại không được thì đó chỉ là mớ kiến thức suông.
3. Thiếu sự nhạy bén
Học giỏi thường có 2 trường hợp.
Thứ nhất, giỏi vì siêng, suốt ngày chỉ có cắm đầu vào học, luôn quan niệm: "Học, học nữa, học mãi".
Thứ hai, giỏi vì thông minh, nhanh nhẹn. Khi rời bỏ ghế giảng đường đại học, thả mình vào xã hội, thì ta thường thấy, người giỏi vì siêng sẽ làm ong thợ, người nhanh nhạy, nhạy bén sẽ thành chỉ huy.
Muốn kiếm tiền nhiều, muốn mau thành công thì kinh doanh là con đường nhanh nhất. Thế nhưng, kinh doanh giỏi không phải dựa vào ai học giỏi hơn ai mà là ai nhạy bén, sáng tạo và thức thời hơn mới là điểm máu chốt. Những người không chuyên môn nhưng nhanh nhẹn biết nắm bắt xu hướng phát triển của xã hội thì đầu tư cho những người sáng tạo. Giỏi, siêng thì kiếm vừa tiền. Giỏi, siêng, sáng tạo thì kiếm nhiều tiền. Giỏi, siêng, nhanh nhẹn nhạy bén nắm bắt thời cơ thì mới đặt chân được với đích đến thành công.
4. Có cái tôi quá lớn
Rất nhiều người học giỏi quá tự tin vào những kiến thức mình đã học tập, nghiên cứu, lĩnh hội được và quá tự tin vào trí tuệ của mình. Họ ít khi thừa nhận mình thiếu sót hoặc sai khi xử lí vấn đề trong công việc.
Vì thế, khi đi làm, họ thường đặt ý kiến cá nhân của mình lên trên mọi người, luôn cho mình là đúng, không chịu nhận sai, gây nên sự mâu thuẫn giữa đồng nghiệp với nhau, đồng thời, không chịu chấp nhận cập nhật những kiến thức mới.
Không những thế, vì luôn nghĩ mình tài giỏi, nên họ thường tách mình ra, tự thân vận động, không chịu sự hỗ trợ của đồng nghiệp hoặc người thân, nên khi gặp sự cố trong công việc có thể họ sẽ mất rất lâu thời gian mới thoát ra được.
5. Không dám mạo hiểm
Nhiều người tài giỏi, bằng cấp thuộc hàng top đầu vẫn chấp nhận đi làm công ăn lương cho những công ty lớn hoặc những tập đoàn nước ngoài. Điều này cho thấy, họ sợ mạo hiểm, họ không dám cởi mở, không dám dấn thân vào những lĩnh vực, những việc họ không giỏi.
Việc suốt ngày đèn sách, lao đầu vào học tập, đã một phần tạo trong họ sự thụ động, ù lì, và ngại phải va chạm, trải nghiệm những thử thách.
Tóm lại, học hành giỏi giang với những tấm bằng loại ưu là một bàn đạp để chúng ta đi xa khi ra ngoài xã hội. Thế nhưng, để đi xa hơn, bay cao hơn và thành công hơn là nhờ sự nhanh nhẹn của trí óc, cách đối nhân xử thế, giao tiếp, kinh nghiệm tích góp được của bản thân. Nói như thế, không có nghĩa là không khuyến khích chúng ta học giỏi, mà hãy biết cách phát triển những thứ mình đang có, những kiến thức mình học được để có thể thành công hơn trong cuộc sống.