"Chúng ta không nên quá lạc quan về câu chuyện khởi nghiệp Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ tại phiên thảo luận "Đổi mới khoa học công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019.
Thời gian gần đây, phong trào startup tại Việt Nam tăng lên mạnh mẽ. Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên đưa khái niệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào năm 2013 với những thí điểm đầu tiên, nay lan tỏa ra cả nước và các bộ ngành, địa phương đều vào cuộc.
"Theo thống kê sơ bộ, chúng ta có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - startup - mà chúng ta tạm coi ở thế hệ thứ 3 ở Việt Nam, nhưng còn khá thua và cách xa so với các startup đúng nghĩa trên thế giới", ông Duy cho biết.
"Đã một thời gian dài chúng ta chưa đưa được tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp vào trong các nghiên cứu trong các trường ĐH cho các bạn trẻ. Nay với cách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với các quỹ đầu tư, chúng ta tạo ra môi trường chỉ cần ai có ý tưởng, có kết quả khoa học thì có thể thu hút được đầu tư và thành lập được doanh nghiệp của mình".
Nói đến đây, Thứ trưởng xin được nhấn mạnh một ý để "đưa chúng ta về mặt đất".
"Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta không nên quá lạc quan về câu chuyện khởi nghiệp Việt Nam. Bởi các startup trên thế giới khi tăng trưởng cao, đều dựa trên các bằng phát minh sáng chế, dựa trên các ý tưởng mới nhất trên thế giới, dựa trên các kết quả khoa học tích lũy từ lâu".
"Nếu chúng ta không có đầu vào như thế mà chỉ tập trung đầu ra, sẽ dẫn đến một câu chuyện, như câu nói của Shark Bình - "Rất nhiều các bạn ngáo giá". Bản chất chúng ta mới là bắt chước các ý tưởng, chúng ta chưa có cái riêng, chưa có cái bảo hộ tài sản để khi thành lập một doanh nghiệp thì có thể phát triển rất nhanh trên thị trường thế giới", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thẳng thắn.
Đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Duy cũng một lần nữa xin "đưa mọi người về mặt đất" khi khẳng định "chúng ta không thể nhảy từ 2.0 lên 4.0".
"Trên 95% doanh nghiệp trong nước của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ bản các doanh nghiệp sản xuất của chúng ta chỉ ở trình độ công nghiệp 2.0 và 3.0, phần nhiều là 2.5, thì chúng ta không thể nhảy một bước lên 4.0 nếu chúng ta không tập trung để bắt kịp công nghiệp 3.0, 3.5 trước đó", Thứ trưởng Duy nói.