Ông Trần Hải Linh - Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ Sen đỏ (Sendo) - đã chia sẻ về cơ hội hút dòng vốn hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tại Hội thảo chuyên đề Phát triển Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit với sự tham gia đồng bảo trợ và chỉ đạo về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự tham gia phối hợp của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Nhìn nhận thị trường thương mại điện tử, ông Linh cho biết Châu Á là khu vực phát triển nhất trên toàn thế giới về thương mại điện tử trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Dòng vốn đầu tư đang chảy về thị trường thương mại điện tử nước nào?
Theo quan sát của CEO Sendo, giai đoạn 2014 - 2016, quốc gia được đầu tư nhiều nhất là Ấn Độ.
"Trong suốt thời gian đó, Ấn Độ thu hút được gần 20 tỷ USD vào thị trường TMĐT. Công ty số 1 về TMĐT của Ấn Độ là Flipkart - do người Ấn Độ tạo nên", ông Linh cho biết.
Flipkart có trụ sở tại Bengaluru, được Sachin Bansal và Binny Bansal thành lập vào năm 2007. Theo Wikipedia, tính đến tháng 5/2018, công ty có giá trị 20 tỷ USD.
Sau khi quan tâm và thúc đẩy nền thương mại điện tử Ấn độ, điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư, một cách khá đương nhiên, là một quốc gia rất lớn về mặt quy mô dân số mà thương mại điện tử chưa phát triển là Indonesia - những yếu tố khá tương đồng với thị trường Việt Nam.
Theo lời ông Linh, trong thời gian vừa qua, Indonesia cũng thu hút được lượng vốn rất khổng lồ, gần 8 tỷ USD Mỹ, tạo nên 2 unicorn trong lĩnh vực TMĐT là Tokopedia và Bukalapak. Trong đó, ông Linh nhấn mạnh công ty TMĐT số 1 của Indonesia là công ty bản địa, do người Indonesia tạo ra - Tokopedia.
Tính đến thời điểm tháng 11/2018, theo Bloomberg, công ty được định giá khoảng 7 tỷ USD.
Liệu dòng vốn tỷ USD này có đổ về Việt Nam?
Trong năm 2019, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam thu hút được 889 triệu USD, với hai công ty TMĐT hút được dòng vốn chính là Tiki và Sendo.
"Nhìn số lượng vốn Việt Nam thu hút được thời gian vừa qua là con số khá nhỏ nếu so với các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia. Nhưng đây là tín hiệu rất đáng mừng. Chúng tôi cho rằng đây là dấu hiệu nhà đầu tư rất quan tâm và tin tưởng vào thị trường Việt Nam cũng như đánh giá cao sự cởi mở của Chính phủ".
"1 năm trước đó, chúng ta chỉ thu hút được 400 triệu USD trong lĩnh vực này, nhưng năm 2018 đã thu hút được gấp đôi. Chúng tôi cho rằng đây là dấu hiệu nhà đầu tư đang chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo cho những năm 2019, 2020, 2021", CEO Sendo nhận định.
Ông Linh cho rằng đây là cơ hội rất lớn cho những công ty Việt Nam như Sendo, Tiki, Momo… cũng như các công ty khác có thể gọi lượng vốn lớn để tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử Việt Nam của những năm sắp tới.
Các nhà đầu tư thường chỉ nhắm top 3 trong ngành, liệu những doanh nghiệp Việt như Sendo có kỳ vọng hút được nhiều dòng vốn đầu tư trong bối cảnh có rất nhiều ông lớn TMĐT nước ngoài tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này của Trí thức trẻ, ông Linh cho biết "rất ngại nói chuyện về các đối thủ".
"Nhưng nếu chúng ta để ý một số thông tin gần đây về quy mô của thị trường, thì Sendo đang ở top", ông Linh khẳng định.
Theo đánh giá của Google - Temasek, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD, so với tổng thị trường bán lẻ khoảng 150 tỷ USD. Trong vòng 4 năm nữa, tổng thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 50%, đạt ngưỡng 213 tỷ USD, nhưng tổng giá trị TMĐT của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 200%, quy mô khoảng 17 tỷ USD.
"Thực tế thì các nhà đầu tư đánh giá thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức hơn 40%/năm, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á. Và đến 2023, chúng ta dự kiến trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 ở Châu Á, chỉ sau Indonesia".
"Ở thời điểm này, chúng ta đã ở ngưỡng rất gần trở thành nền TMĐT lớn thứ 2 ở Đông Nam Á rồi", CEO Sendo khẳng định.