Dù bây giờ, như theo cách nói của ông Lý Quí Trung - CEO AKA Funiture Group, ông không còn là người đi khởi nghiệp nữa, mà là CEO chuyên nghiệp; nhưng những trải nghiệm trong rất nhiều năm khởi nghiệp của ông, nhất là hành trình xây dựng nên Phở 24, vẫn đáng cho nhiều startup học hỏi, nhất là những bạn làm trong ngành ẩm thực – F&B.
"Về ý tưởng khởi nghiệp, nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh khác biệt thì bạn sẽ biết ngay. Với bản thân tôi, mỗi ngày khi ăn sáng, tôi đều nghĩ ra được 1 ý tưởng kinh doanh, nhưng nó chỉ tồn tại tới buổi chiều.
Và kể cả khi đã có ý tưởng tốt, chúng ta cũng cần phải thai nghén, như kiểu phải có bầu, đủ 9 tháng 10 ngày, thì mới sinh được em bé bụ bẩm khoẻ mạnh. Có người may mắn thì chỉ cần 3 đến 6 tháng. Nếu tháng này chúng ta nảy ra ý tưởng rồi tháng sau làm ngay, thì rủi ro cực cao", ông Lý Quí Trung cho biết trong chương trình Forum Chìa khóa thành công 2019.
Tuy nhiên, theo ông, việc đóng cửa doanh nghiệp/cửa hàng kịp thời quan trọng không kém việc có ý tưởng tốt. Nếu 1 dự án mà 3 năm không thành công, thì nên đóng cửa doanh nghiệp/cửa hàng, nhất là trong ngành F&B. Ông Trung thú nhận, là ông đã đóng cửa rất nhiều nhà hàng/cửa hàng từ khi bắt đầu khởi nghiệp.
"Nhiều khi, ‘giết chết’ nó xong mình cảm thấy rất sung sướng. Trong cuộc đời mỗi người, mở nhà hàng hay công ty rất dễ, đóng mới khó", CEO AKA Funiture Group khẳng định.
Theo lý giải của vị doanh nhân này, để đóng cửa một nhà hàng, bạn phải vượt qua nhiều khó khăn khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan. Có nhiều người vì sĩ diện, mặc dù nhà hàng lỗ hoặc huề vốn, vẫn kéo dài tới 10 năm. Trong quãng thời gian đó, bạn sẽ mất rất nhiều thứ.
"Nếu bạn cảm thấy dự án không có ‘ánh sáng cuối đường hầm’, không thấy tương lai, tức là chúng ta đang kéo lê 1 cái xác chết đi cùng, đi càng xa thì thiệt hại càng lớn. Trong trường hợp đó, bạn không chỉ thiệt lại về tài chính mà còn đánh mất các cơ hội. Bởi, khi chúng ta vẫn đang bận lòng với cái xác chết, thì chúng ta sẽ không thể thấy bất cứ thứ gì ngoài cái xác chết – kể cả cơ hội long lanh có chạy qua trước mắt", ông Lý Quý Trung bình luận.
Do đó, theo Lý Quí Trung, nếu cảm thấy nhà hàng hay công ty gặp vấn đề, hãy can đảm đóng cửa ngay lập tức, ngừng cuộc chơi để trong đầu trống, chào đón cơ hội khác đến.
Hiện ông Lý Quí Trung là CEO chuyên nghiệp của AKA Funiture Group.
Trong từ điển của ông Trung không có từ "thất bại", chỉ là kết quả không như mong muốn. Khi đường đời không như ý, cách hành xử với nó như thế nào rất quan trọng. Với ông, khi cảm thấy nhà hàng không thể sinh lời nữa, ông sẽ nhẹ nhàng đóng cửa và quên chuyện đó ngay trong một nốt nhạc.
Tuy nhiên, kỹ năng quên nhanh cũng cần phải luyện tập. Chỉ có quên đi những chuyện không vui bạn mới có thể tập trung làm việc khác hiệu quả. Thái độ tâm lý tích cực rất quan trọng, nhất là trong thời điểm khởi nghiệp, khi bạn gặp phải rất nhiều thứ không như mong ước.
"Trong cuộc đời mỗi người, sẽ có nhiều dự án kinh doanh cũng như lập nhiều công ty. Chúng ta không thể may mắn mãi được. Chỉ cần sau này cộng lại, dự án lời của bạn nhiều hơn lỗ là ổn. Thật ra, tất cả các doanh nhân thành đạt đều gặp ít nhiều thất bại, chỉ là họ không tiết lộ với bạn mà thôi", ông Trung kết luận.
Còn để khi đi gọi vốn không bị nhà đầu tư ‘ăn hiếp’, theo vị doanh nhân giàu kinh nghiệp này, thì các startup cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ.
Đầu tiên, là không được gặp các nhà đầu tư quá sớm, khi chưa có gì để thể hiện cho họ thấy mình tốt đến mức nào. Các startup hãy đợi ý tưởng của mình thật chín muồi, có nhiều lợi thế mà mình có thể dựa vào, thì hãy đi gọi vốn. Thứ hai, các startup hãy thường xuyên làm bài tập ở nhà cho tốt, ví dụ như hãy tự hỏi là nhà đầu tư quan tâm cái gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì… Nhiều lúc, không phải là dự án của mình không tốt, mà mình ở vị thế thấp hơn vì chưa chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Thực tế là, người bán luôn muốn bán được giá cao, người mua thích mua giá thấp. Bước đầu tiên chúng ta cần làm là nên lấy ý kiến khách quan từ công ty chuyên định giá doanh nghiệp. Nhưng, người chủ cũng phải biết cách định giá. Chúng ta có thể lên Google để tham khảo và tìm hiểu, vì mỗi ngành có 1 công thức định giá chung.
Người chủ nếu không biết định giá một cách chuyên sâu thì cũng phải biết vài thứ cơ bản, đừng để bản thân rơi vào hoàn cảnh, họ nói gì mình cũng không hiểu. Và người chủ phải có cách định giá của mình, nếu công ty định giá chuyên nghiệp đưa ra giá cao hơn thì tốt, nếu họ đưa giá thấp hơn thì hãy đi tìm công ty khác, khi nào tìm được công ty định giá ngang bằng giá mình đưa ra thì mới thôi", ông Trung chia sẻ ‘bí quyết’ định giá doanh nghiệp.
Ngoài ra, kêu gọi vốn đầu tư thì phải có lộ trình, ví dụ bước đầu nên kêu gọi các nhà đầu tư thiên thần, dù số vốn đầu tư của họ cho chúng ta nhỏ, nhưng họ có thể cống hiến thêm cho doanh nghiệp về chuyên môn. Hoặc kêu gọi những người chung quanh, ví dụ như bạn bè hoặc người thân góp vốn. Ở những trường hợp này, tiền doanh nghiệp nhận lại không nhiều, nhưng giúp phát triển các giá trị cần thiết khác. "Sau khi thử hết các kiểu gọi vốn nói trên, startup mới nên đi gặp các ‘cá mập’", ông Trung nhấn mạnh lần nữa.
Ở khía cạnh khác, khi bàn về cơ duyên với CEO AKA Funiture Group, theo ông, nếu cách đây khoảng 10 năm, ai đó nói với ông là một ngày nào đó ông sẽ làm CEO chuyên nghiệp của một công ty nội thất, có lẽ ông sẽ không tin.
Sự thành công nổi trội của Phở 24 đã góp phần khiến ông Trung không thể lần nữa bắt đầu với ngành F&B.
"Sau Phở 24, tôi đã mất 5 năm loay hoay thử nhiều cái khác nhau trong lĩnh vực ẩm thực tại Úc lẫn Việt Nam, nhưng làm cái gì tôi cũng thấy nó nhỏ hơn và không tiềm năng bằng Phở 24. Cảm giác như, tôi bị cái bóng quá lớn của Phở 24 lèn chặt.
Sau đó, may mà tôi có những khoảng lặng cần thiết để điều chỉnh lại chính mình, hiểu mình rõ hơn. Rồi tôi nhận ra: không phải mình mê ngành F&B mà thật ra mình mê việc xây dựng thương hiệu, mê cảm giác thỏa mãn khi thấy doanh nghiệp lớn từng ngày. Hồi đầu, tôi chưa bao giờ nghĩ đến những lĩnh vực khác, khi nào cũng nghĩ mình chỉ làm tốt ở lĩnh vực F&B, nhưng tôi nghĩ mình đã sai.
Thế là, từ ngành F&B, tôi chuyển sang nội thất, một lĩnh vực mới khá lý thú và đầy tiềm năng. Mà theo tôi, nếu không là nội thất, tôi có thể làm trong lĩnh vực xe hơi hay gì đó, miễn sao có cơ hội xây dựng một thương hiệu Việt tốt", ông Trung kể.
Từ trường hợp của mình, ông Trung có thể phân biệt rõ sự khác nhau giữa khởi nghiệp lần đầu và những lần sau đó. Với những startup khởi nghiệp lần đầu tiên, đi lên từ con số 0, họ sẽ làm sống chết với doanh nghiệp của mình bằng cả trái tim và đam mê nhiệt thành. Thậm chí, họ sẵn sàng bán nhà cửa để thực hiện giấc mơ của mình.
Nhưng với những lần khởi nghiệp sau, thì phần lý trí sẽ chiếm nhiều hơn con tim, người ta sẽ nhìn vào thị trường, thấy có lỗ hổng nào thì đi 'vá' và thấy ở đâu có tiềm năng thì đầu tư. Lúc này, trái tim chỉ chiếm khoảng 30% đến 40% trong các quyết định của họ. Thêm nữa, họ sẽ ưu tiên những cái khác như gia đình – con cái thay vì doanh nghiệp như trước đây.