Phát biểu ngay sau đối thủ Grab tại Diễn đàn cấp cao & Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019, CEO Be Group Trần Thanh Hải đưa ra 2 kiến nghị với Chính phủ để thúc đẩy và hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam như Be có thể lớn mạnh trong thời kỳ 4.0.
Thứ nhất, ông Trần Thanh Hải cho rằng Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể vào những lĩnh vực Big Data (cơ sở dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học), AI (trí tuệ nhân tạo)…
"Để hiện thực hóa Nghị quyết 52, đất nước ta phải có đầy đủ nguồn lực, nguồn lực con người cho đến các nền tảng công nghệ".
"Để thúc đẩy nhanh chóng cần phải có những chính sách phù hợp, như chính sách thuế thu nhập cá nhân cho các cho nhân sự trong các ngành hoặc chính sách thuế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sâu vào trong các lĩnh vực, thông qua đó có thể tận dụng toàn nguồn lực của xã hội", ông Hải nói.
Kiến nghị thứ 2 của CEO Be Group là về mô hình sandbox (môi trường cho phép thí điểm các mô hình kinh doanh mới). Ông Hải nhìn nhận khi tiếp cận dịch vụ mới, chúng ta không nên cấm đoán mà nên thử nghiệm.
"Tuy nhiên chúng ta nên khống chế không gian, thời gian cũng như thị phần nhất định, tránh trường hợp các đơn vị trong môi trường thử nghiệm có thể chiếm thị phần lớn và tạo ra những bất bình đẳng trong kinh doanh", CEO Be Group nhấn mạnh.
"Tôi lấy ví dụ cụ thể như việc nhanh chóng ban hành Nghị định 86 trong ngành giao thông vận tải để giúp có sự cân bằng trong cái cũ và cái mới".
Nghị định ông Hải nhắc tới là nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó đề xuất coi những doanh nghiệp như Grab là doanh nghiệp vận tải (không phải doanh nghiệp công nghệ), và các xe Grabcar phải "đeo mào" như taxi.
Về dự thảo nghị định nói trên, hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: "Cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ".
Bộ trưởng Hùng đề xuất cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Go-Viet… là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.
Liên quan đến câu chuyện sandbox, tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế tư nhân trước đó, CEO Grab Việt Nam Jerry Lim cũng đề xuất nên đặt câu hỏi "làm thế nào để đưa ra được một số lượng công ty phù hợp vào sandbox".
"5 công ty là đủ, hay 10, 100 công ty là đủ? Rất khó xác định một con số chính xác, nhưng cần một tiêu chí để xác định xem số lượng các công ty đưa vào sandbox bao nhiêu là phù hợp, dựa trên ngày thành lập hoặc lĩnh vực kinh doanh của họ, hay năng lực cạnh tranh của các công ty trong sandbox".
"Liệu các startup hay các công ty công nghệ có làm theo cái mới hay không? Họ có mang lại lợi ích mới để tối ưu hóa các chính sách của Nhà nước hay không? Nếu trong sandbox có 2 công ty hoàn toàn giống nhau thì tôi cũng thấy không nhất thiết phải đưa cả 2 công ty vào sandbox làm gì vì sẽ có sự trùng lặp. Chúng ta cần chọn lọc. Sẽ không hợp lý khi đưa vào sandbox 4 - 5 công ty cùng lĩnh vực, cùng mô hình kinh doanh, cùng chiến lược hoạt động", ông Jerry nêu ý kiến.
Ông cho rằng khi có tính đa dạng về mô hình, loại hình công ty trong Sandbox thì kết quả thí điểm sẽ mang lại những tác động ảnh hưởng cần thiết để các cơ quan Nhà nước xác định đâu là mô hình kinh doanh phù hợp, đâu là định hướng phát triển tương lai, để các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định phù hợp để khuyến khích mô hình, môi trường đó.