Có đôi lúc, trong các buổi phỏng vấn, bị hỏi những "câu hỏi kì lạ" đó là chuyện bình thường. Bởi vì nhà tuyển dụng muốn thông qua câu trả lời của bạn mà kiểm tra phản ứng, khả năng đối đáp, và tư duy logic của bạn.
Cảnh đã tốt nghiệp được vài năm, cũng đã đi phỏng vấn ở nhiều công ty. Mỗi lần đi phỏng vấn, anh ấy đều chuẩn bị cẩn thận về mọi thứ, bao gồm văn hóa công ty, hoạt động, ý tưởng và những dự án tiêu biểu của công ty... Thông qua thành tích xuất sắc và sự chuẩn bị kĩ càng, hầu như lần nào anh ấy cũng đều dễ dàng thông qua.
Nhưng những câu hỏi phỏng vấn lần này lại rất khác so với những lần trước. Nhà tuyển dụng hỏi tất cả ứng viên ngồi ở đó rằng: "Các bạn có thích tiền hay không?"
Ứng viên thứ nhất trả lời: "Không thích, bởi vì tôi quan tâm nhiều hơn đến sự trưởng thành và phát triển trong tương lai của tôi khi được nhận vào vị trí này."
Ứng viên thứ hai đáp: "Trên đời này có ai mà không thích tiền chứ, nếu có người nói không thích thì chính là đang nói dối. Tôi là người thẳng thắn, tôi thích."
Đến phiên Cảnh, anh từ tốn nói:
"Con người thích tiền không có gì là xấu, không có ai mà không thích tiền, chỉ là cách người ta làm ra đồng tiền thế nào. Tôi thích những đồng tiền có được nhờ vào sự nỗ lực và chăm chỉ của mình, còn với những đồng tiền không chính đáng, tôi sẽ không bao giờ đụng vào."
Nhà tuyển dụng nghe xong đã loại ứng viên đầu tiên. Bởi vì vị trí nhân viên kinh doanh này đòi hỏi phải là người có tham vọng, mong muốn kiếm được nhiều tiền. Thế nên, dù ứng viên đầu nói năng nghe rất tốt đẹp, nhưng anh ta lại là người đầu tiên bị đánh rớt.
Khi Cảnh đang thở phào nhẹ nhõm, thì nhà tuyển dụng chợt cất tiếng hỏi câu hỏi thứ hai: "Nếu bạn thấy trong bồn cầu nhà vệ sinh có rớt 10 tờ 500 nghìn (5 triệu đồng), bạn sẽ nhặt hay không nhặt?"
Ứng cử viên thứ hai nghe xong liền cười nói: "Đây quả là câu hỏi thách đố, nếu những tờ tiền đó bị rớt vào bồn cầu mà trông còn sạch, vậy tôi sẽ nhặt lên rửa, lau khô và giữ lại xài. Nhưng nếu đã bị nước bẩn làm dơ rồi, vậy tôi không cần, bởi vì nó có rất nhiều vi khuẩn."
Nhà tuyển dụng nghe xong liền gật đầu, cảm thấy người này nói rất có lý.
Khi đến lượt Cảnh, anh trả lời:
"Nhặt hay không nhặt cũng phải căn cứ vào tình huống, 5 triệu đồng không phải số tiền nhỏ, đối với người dân lao động nghèo, vất vả cả tháng trời mới có thể kiếm được. Nhặt lên không phải vấn đề gì khó khăn, chỉ cần rửa sạch, lau khô, tờ tiền vẫn có giá trị ngang hàng như lúc đầu thôi. 5 triệu này dù tôi có nhặt lên, đem đi xài, cũng không hề vi phạm luật pháp hay vấn đề đạo đức gì, bởi vì tôi tôn trọng đồng tiền, người khác thấy dơ sẽ bỏ, nhưng tôi thì không.
Nhưng mà, số tiền này đã bị rơi xuống bồn cầu, nó đã bị dính bẩn, giải thích sâu hơn chính là khi đối mặt với những lợi nhuận bất chính, thế thì tôi sẽ không cần, dù nhặt lên rồi tôi vẫn sẽ đem làm công ích hoặc giao nộp cho cảnh sát xử lí mà thôi.
Ngoài ra, còn một trường hợp khác nữa, chính là có người cố tình ném tiền vào bồn cầu, muốn thấy tôi nhặt để sỉ nhục tôi, vậy tôi nhất định sẽ kiên quyết từ chối việc nhặt nó."
Sau khi nhà tuyển dụng nghe xong câu trả lời này, liền dừng phỏng vấn và tuyển dụng Cảnh vào công ty ngay lập tức.
Trong những buổi phỏng vấn, những câu hỏi nghe có vẻ vô lý mà mọi người được hỏi, nếu ngẫm kĩ lại có ý nghĩa rất sâu sắc.
Đối với vị trí nhân viên kinh doanh của Cảnh mà nói, một mặt nhà tuyển dụng muốn thông qua câu hỏi đó để thấy được hi vọng và khao khát mạnh mẽ về việc kiếm tiền cho công ty nói chung và cho anh nói riêng. Mặt khác, để xem anh ta có đủ khả năng chống lại áp lực công việc hay không.
Câu hỏi thứ hai là để kiểm tra xem anh ta có thể hoàn thành tốt mục tiêu của mình khi bị khách hàng làm khó dễ hay không.
Câu trả lời của Cảnh không chỉ thể hiện rõ cá tính, mà còn làm nổi bật suy nghĩ sâu sắc của anh ta. Anh ta có thể nhìn thấy bản chất mọi thứ thông qua bề ngoài của nó, hơn nữa còn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, năng lực bán hàng mạnh mẽ, nên chắc chắn sẽ được tuyển thôi.