Gần đây, tôi sắp bị một đồng nghiệp cũ ép điên rồi.
Chuyện thế này, anh ta khăng khăng muốn từ chức, nhưng đây là lần thứ tư trong tháng này anh ta kể với tôi về ý định này rồi, mà lý do anh ta muốn xin nghỉ, tôi đã nghe đến nỗi thuộc nằm lòng.
Tóm tắt lại chỉ có một câu: Làm việc nhưng không vui vẻ.
Tháng trước mới tìm được một công việc mới, tháng này đã muốn nghỉ vì lãnh đạo hay trách cứ, sai khiến, đồng nghiệp thì ghét bỏ. Hơn nữa, anh ta còn có mâu thuẫn với khách hàng.
Lần gặp cuối cùng, anh ta còn vừa khóc vừa nói với tôi: "Anh à, chẳng lẽ muốn tìm được một công việc tốt lại khó đến như vậy sao?"
Mà cái lời nói loại này, lí do dạng này, không chỉ mình anh ta, còn có rất nhiều người khác khi không làm được việc liền dùng để làm lí do che giấu cho việc thiếu năng lực của mình.
Có một câu nói rất hay: "Nếu bạn không có năng lực, khi gặp khó khăn muốn đổi việc, dù đi đến đâu cũng chỉ như đổi chỗ từ "nơi tồi tệ" này đến "nơi tồi tệ" khác mà thôi.
Bạn nói lãnh đạo không tốt, tất nhiên có thể xin nghỉ; bạn nói công ty không làm được việc, nên có thể xin từ chức; bạn nói đồng nghiệp khó hòa đồng, quyền xin thôi việc cũng nằm trong tay bạn.
Nhưng có được bao nhiêu người từng ngẫm kĩ, nguyên nhân mà họ nói ra, là đúng hay sai sự thật? Là lỗi do tập thể hay do cá nhân mình không thích nghi được? Làm thế nào khi "nhảy việc" đến nơi khác sẽ không còn gặp lại những chuyện tồi tệ như thế này nữa?
(02)
Ở môi trường phức tạp như chốn công sở, bạn rất dễ xảy ra mâu thuẫn với 3 loại người: Ông chủ, đồng nghiệp và khách hàng.
Có vài người sếp tuy lúc nào cũng cười nói, nhưng chỉ cần bạn nhắc đến tiền bạc, tăng lương liền đổi sắc mặt.
Có vài đồng nghiệp, thích nịnh nọt cấp trên, hãm hại cấp dưới hoặc người hơn mình.
Có vài khách hàng, luôn yêu cầu những thứ kì lạ, khó hoàn thành, đến ngay cả bản thân họ còn không biết mình muốn gì. Nhưng chỉ cần bạn làm ra cái gì, họ đều phủ nhận, bảo mình không thích cái đó. Tóm lại là hay làm khó đủ kiểu.
Thế nên, có nhiều người chọn rời bỏ, bởi vì cảm thấy ở đây không phù hợp với mình, hi vọng đổi sang môi trường làm việc mới sẽ tốt hơn.
Nhưng đến khi "nhảy việc" rồi mới biết, ở đâu cũng thế, bởi vì họ không thích nghi được với công việc, chứ không phải do họ quá xui xẻo.
Họ vẫn chưa điều chỉnh được trạng thái tâm lí của mình, để quen với công việc, với môi trường, với mọi người xung quanh, nên nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Thế nhưng, con đường sự nghiệp ấy mà, có ai đi được dễ dàng đâu?
Làm gì có ai cả đời đều thuận buồm xuôi gió, những người mà bạn thấy sống thoải mái, nhẹ nhàng kia, thực ra bởi vì người ta đã dấu hết nỗi buồn và cực khổ về phía sau lưng, còn khi đối diện với bạn, họ đã nỗ lực rất nhiều lần, nên bạn chỉ thấy được kết quả, mà không thấy cả quá trình.
(03)
Điều kiện vật chất thời nay càng ngày càng tốt hơn, nhưng nó cũng khiến mọi người hình thành một thói quen xấu: Hư rồi thì mua cái mới, còn rất ít người nghiên cứu và sửa chữa, tận dụng lại đồ cũ.
Mà trong công việc cũng áp dụng quy luật như vậy, khi gặp được lãnh đạo mình không thích, họ không chịu cố gắng thử giao tiếp nhiều hơn, tìm hiểu sâu hơn về mình, về đồng nghiệp, về sếp, và về môi trường đang đối mặt, mà lựa chọn từ chức, nhảy sang nơi mới.
Miệng nói là "thoát hiểm" được cái nơi làm việc tồi tệ đó. Nhưng thực tế lại đang trốn chạy khỏi cái nơi mà mình không thích ứng được.
Trước đây, có một ứng viên đến công ty tôi xin việc, anh ta cũng dùng thái độ như vậy với công việc của mình. Lý tưởng làm việc của anh ta rất đơn giản: Phải khiến anh ta thấy vui, không vui thì đổi.
Vì vậy, khi gặp chút khó khăn anh ta liền chọn lựa đổi công việc khác, kết quả là: Bây giờ anh ấy tốt nghiệp đã 5 năm rồi, nhưng vẫn ngày ngày đi tìm việc khắp nơi mà chưa có công ty nào nhận vào.
Theo đuổi cái vui nhất thời, mà từ bỏ hạnh phúc dài hạn sau này, quả thật là không đáng.
Có người nói, nơi làm việc như một cây đại thụ đầy ắp những con khỉ đang leo trên đó, nhìn từ trên xuống thì thấy toàn gương mặt những chú khỉ, trông thật buồn cười. Nhưng nhìn từ dưới lên chỉ thấy toàn mông của chúng.
Tự mình có suy nghĩ riêng là việc tốt, nhưng nếu bạn cứ từ bỏ hết cái này đến cái khác mà không chịu suy nghĩ, cố gắng đi lên, vậy bạn chỉ có thể mãi mãi đứng bên dưới, nhìn người ta đi càng ngày càng xa.
Chỉ khi bạn có thể leo đến một độ cao nhất định của cái cây. Sau đó, nhảy sang một cái cây mới, mới có thể thấy được, đứng ở những vị trí khác nhau, cảnh vật bản thân nhìn thấy cũng khác biệt rất lớn.
Có rất nhiều người, thường hay phạm cùng một lỗi rất lớn, chính là luôn nghĩ về những gì họ sẽ đạt được từ công việc trước, thay vì nghĩ mình sẽ làm được đến đâu. Yêu cầu của họ, lúc nào cũng rất nhiều: Muốn lương cao, muốn có tương lai, muốn lãnh đạo và đồng nghiệp thân thiện.
Nghe rất hợp lí, nhưng nếu thái độ và năng lực của bạn không đủ để trao đổi với những điều bạn muốn, vậy ý nghĩ cũng chỉ có thể dừng ở suy nghĩ mà thôi.
"Người có thể dùng vài phút để xem thấu bản chất sự việc, và người dùng cả đời vẫn không nhìn rõ sự việc, đã được định sẵn sẽ có số mệnh khác nhau."
Môi trường công sở cũng vậy, nếu công việc này không kiên trì nổi, thì dù có đổi sang một trăm công việc khác cũng vô dụng.
Không phải vì họ không cho bạn thêm cơ hội, mà vì bạn chưa cho họ lý do đủ thuyết phục để họ cho bạn thêm cơ hội.
(04)
Tôi thường thấy mọi người đặt câu hỏi rằng: "Khi nào là thời gian tốt nhất để từ chức?"
Có người đáp: Tháng 3 đến tháng 4, vì đây là thời điểm vàng, là mùa tuyển dụng, như vậy sẽ dễ tìm việc hơn.
Nhưng bạn biết không, với những người giỏi thực sự, tháng nào cũng là thời điểm thích hợp để làm cái họ muốn.
Thời điểm thích hợp nhất để bạn từ chức là khi bạn đã tích lũy đủ "vốn" cho bản thân: vốn kinh nghiệm, vốn kiến thức, vốn tiền bạc...
Nếu hiện tại bạn chưa tích lũy đủ, vậy hãy khoan nghỉ việc, cố gắng học hỏi thêm một thời gian, nâng cao bản thân.
Lựa chọn thời điểm nghỉ việc một cách khôn ngoan sẽ có lợi cho bạn rất nhiều.
Trước khi chưa tích lũy đủ "vốn", bạn chỉ có thể cố gắng làm tốt công việc hiện tại, dù cảm thấy nó thật tệ.
Muốn thay đổi, phải có sự chuẩn bị tốt, thay vì nghĩ nơi đây thật mệt mỏi, chi bằng dùng nó làm động lực, làm nền tảng để bồi dưỡng bản thân trở nên ưu tú hơn.