"Ở một khía cạnh nhất định, quốc gia này như một công ty khởi nghiệp đáng lẽ ra phải thất bại nhưng thay vào đó, nó lại trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Đây là một giấc mơ bất khả thi được họ biến thành hiện thực".
Đó là quan điểm của Arik Shtilman, người sáng lập và CEO của công ty khởi nghiệp fintech Rapyd đến từ Israel. Quốc gia này là một "nhà máy" đã sản sinh ra rất nhiều doanh nhân thành đạt. Không kể đến Adam Neumann, nhà đồng sáng lập WeWork, Israel còn là quê hương của nhiều doanh nhân nổi bật khác. Một cơ quan chính phủ ước tính đất nước có dân số chỉ khoảng 8,5 triệu người này đã "sản xuất" ra 1.400 startup mỗi năm.
Israel là "cái nôi" của nhiều startup kỳ lân.
Theo Tech Aviv, một cộng đồng dành cho các doanh nhân, Israel hiện có 25 startup kỳ lân (được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), bao gồm những công ty được thành lập bởi người Israel nhưng có trụ sở ở nơi khác như WeWork.
Tính đến ngày 30/8 năm nay, gần 2,3 tỷ USD đã được đầu tư vào 153 thương vụ của các startup ở Israel. Hay nói cách khác, quốc gia Trung Đông nhỏ bé này đã tạo ra một số thành công về công nghệ vượt trội.
Một số startup đáng chú ý của Israel gồm ứng dụng gọi xe Via và Gett, ứng dụng nhắn tin Viber cùng Waze - ứng dụng bản đồ thuộc sở hữu của Google. Monday.com là nền tảng mới nhất gia nhập câu lạc bộ kỳ lân của Israel trong năm nay.
Vậy tại sao Israel lại có thể trở thành một trung tâm đổi mới không ngừng như vậy? Dưới đây là chia sẻ của một số doanh nhân và nhà đầu tư Israel về những lực lượng đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của đất nước.
1. Tham gia vào quân đội
Gia nhập quân đội luôn là một nhiệm vụ khó khăn ở các nước trên thế giới và Israel cũng không phải ngoại lệ. Công dân phải tham gia Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) năm 18 tuổi và điều này được cho là sẽ thay đổi đáng kể tâm lý cũng như cuộc sống của họ. Arik cho biết: "Bạn học được hai điều, thứ nhất là mọi việc đều khả thi và thứ hai là chỉ có ‘Tôi không làm được’ hoặc ‘Tôi không muốn làm’ mà thôi. Điều đó đã dần hình thành tâm lý của người Israel nói chung: Không có gì là không thể".
Shachar Bialick, CEO và người sáng lập startup tài chính Curve được định giá 250 triệu USD cũng có chung quan điểm. Shachar miêu tả cách đơn vị IDF của anh xây dựng trong nhiều năm để thực hiện một thử thách dường như bất khả thi mang tên "The journey": Đi bộ 64km với 40kg hành lý trên lưng trong điều kiện ẩm ướt và lạnh lẽo.
Anh nói trong một cuộc phỏng vấn: "Lúc đầu, bạn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể làm được nhưng theo thời gian, suy nghĩ của bạn dần thay đổi cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai. Sự nghiệt ngã bạn cần phải trải qua trong những năm tháng đó cũng giống như khó khăn bạn cần vượt qua để trở thành một doanh nhân thành đạt. Khi người khác thấy những bức tường trở ngại, chúng tôi chỉ thấy đó là thứ cần phải vượt qua".
Tuy nhiên, thay đổi tâm lý không phải là yếu tố duy nhất khiến IDF trở thành động lực của mọi người. Không ít tân binh được đưa vào đơn vị tình báo của quân đội và trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau. Đó là trường hợp của Yoni Assia, người đồng sáng lập và CEO của ứng dụng giao dịch eToro trị giá 800 triệu USD. Chuyên ngành của anh là khoa học máy tính và thời gian ở IDF đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm về công nghệ mới quý giá.
Nhà đầu tư Gil Dibner, người sáng lập Angular Ventures đã gọi IDF là "vườn ươm công nghệ" và coi đó là nhân tố chính trong việc định hình các doanh nhân Israel. Theo ông, ở những nước khác, bạn bước vào thế giới thực sau khi học xong đại học trong khi ở Israel, điều đó ngược lại: "IDF giúp kết nối mạng lưới, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề ở quy mô lớn, thường là trước khi người tham gia học lên đại học".
2. Nền văn hóa của sự tự tin
Shai Wininger, người đồng sáng lập startup bảo hiểm Lemonade, trị giá hơn 2 tỷ USD sau vòng tài trợ mới nhất chia sẻ: "Chúng tôi nổi tiếng là rất tự tin khi là người Israel. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã nói rằng chúng tôi có thể trở thành bất cứ ai mà mình muốn. Làm ông chủ của chính mình dường như là một giấc mơ xa vời với nhiều người, đặc biệt là trong các nền văn hóa không ưa chuộng rủi ro nhưng ở Israel, đó là một cách sống phổ biến. Chúng tôi có ‘khẩu vị’ rủi ro cao hơn đa số nền văn hóa khác trên thế giới".
Arik Shtilman giãi bày: "Israel không có dầu và bị bao quanh bởi những quốc gia không ưa chúng tôi. Thế nhưng chúng tôi vẫn là nền dân chủ thành công bậc nhất trong khu vực với cơ sở hạ tầng và các công ty thành công được xây dựng từ con số 0".
Shai cho biết thất bại không khiến người Israel sợ hãi: "Tôi đã thành lập 5 công ty và chỉ 2 trong số đó thành công cho đến nay. Tôi coi thất bại là phần không thể thiếu của thành công. Mỗi khi thất bại, tôi chỉ cần đứng dậy và đi tiếp. Tinh thần này được lặp lại bởi những nhà sáng lập khác".
3. Hệ sinh thái đang phát triển để hỗ trợ doanh nhân mới
Thung lũng Silicon của Israel (Silicon Wadi) bắt đầu hành trình trở thành một trung tâm quốc tế dành cho các startup với việc bán công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin ICQ cho AOL năm 1996. Đây được coi là chất xúc tác cho lĩnh vực công nghệ của Israel.
Dù Israel sản sinh ra hàng loạt nhà sáng lập nổi tiếng nhưng các doanh nhân nước này có xu hướng chuyển ra nước ngoài, thường là Thung lũng Silicon để làm những việc lớn hơn. Yoni Assia giải thích: "Điều này gần như là thông lệ. Israel luôn được biết đến với phần mềm dành cho doanh nghiệp nhưng để thực hiện dự án công nghệ lớn, bạn phải đến Mỹ hay các công ty dịch vụ tài chính nên chuyển đến London".
Đó là điều Yoni đã làm năm 2006 để thành lập eToro. Đến nay, họ đã có hơn 1.000 tỷ USD tài sản được triển khai thông qua sàn giao dịch của mình vào năm ngoái và có 800 nhân viên làm việc tại văn phòng trên khắp thế giới. Còn giờ đây, anh cho rằng việc thành lập công ty ở Israel là khả thi bởi tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.
Theo Wininger, các doanh nhân và nhà sáng lập người Israel đang tiến đến "giai đoạn thứ ba" của sự phát triển của đất nước, từ một quốc gia khởi nghiệp, được các doanh nghiệp lớn mua lại đến quốc gia tạo ra những công ty sẽ trở thành thương hiệu mang tính biểu tượng giống như Google hay Facebook.
Bên cạnh đó, chính phủ Israel đang chi 4% ngân sách (mức cao thứ hai trên thế giới) cho nghiên cứu và phát triển. Chỉ riêng trong năm nay, quốc gia này đã có thêm 3 startup kỳ lân mới là Saturday.com, Lightricks và Compass. Một chuyên gia nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng độc đáo ở Israel, đó là hệ sinh thái công nghệ của họ đã hoàn toàn trưởng thành, cho phép các doanh nhân mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới".