Công ty tư vấn đầu tư Owl Rock Capital trở thành một "unicorn" công nghệ mới của thế giới khi bất ngờ được định giá 2,5 tỷ USD sau 4 năm hoạt động. Không giống nhiều startup công nghệ khác có xuất thân từ Thung lũng Silicon, Owl Rock nổi danh trong lĩnh vực tín dụng tư nhân đang bùng nổ của Phố Wall. Tài sản của Owl Rock gia tăng nhanh chóng bởi hoạt động cho vay đối với các công ty có quy mô quá nhỏ hoặc có quá nhiều nguy cơ để được các nhà băng phê duyệt hồ sơ vay vốn.
Owl Rock được thành lập vào năm 2016 bởi Doug Ostrover, Marc Lipschultz và Craig Packer. Cả 3 từng giữ các chức vụ cấp cao tại Blackstone Group, KKR & Co. và Goldman Sachs Group. Vào thời điểm đó, công ty huy động được số vốn hơn 14 tỷ USD chủ yếu thông qua phương tiện đầu tư là các công ty phát triển kinh doanh (hay BDC) - thường cho các công ty vừa và nhỏ vay vốn.
Owl Rock vừa bán 20% cổ phần thiểu số cho một công ty con của tập đoàn quản lý hơn 300 tỷ USD tài sản, Neuberger Berman. Với thương vụ này, Owl Rock sẽ nhận về khoảng 500 triệu USD, nâng giá trị của startup này lên khoảng 2,5 tỷ USD, nguồn cận tin của Bloomberg News cho biết. 2 bên công bố mối quan hệ hợp tác này trong ngày 11/11 nhưng không tiết lộ cụ thể các điều khoản.
Owl Rock dự kiến sử dụng số vốn từ thương vụ với Neuberger Berman để thành lập một BDC mới và niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng giá trị thị trường vào khoảng 3 - 5 tỷ USD, theo một nguồn tin. Công ty cũng sẽ triển khai quỹ tín dụng mới với mục tiêu cung cấp các khoản vay được cho là quá nguy hiểm đối với các công cụ hiện có của Owl Rock.
"Đây không phải là vấn đề về giá trị của doanh nghiệp, mà khoản đầu tư này sẽ giúp chúng tôi duy trì hoạt động về dài hạn. Thương vụ này cho chúng tôi vốn để tiếp tục gây dựng các quỹ và đầu tư vào chúng", ông Lipschultz nói. Định giá của Owl Rock cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của tín dụng tư nhân, thị trường được cho là sẽ đạt quy mô 1.000 tỷ USD trong năm tới.
Thương vụ với công ty con của Neuberger Berman đánh dấu lần đầu tiên 3 nhà sáng lập bán một lượng cổ phần lớn của Owl Rock. 3 người này từng bỏ hơn 100 triệu USD tiền túi để thành lập 2 quỹ đầu tiên của công ty. Việc bán cổ phần thiểu số trở thành một phương thức phổ biến để các quỹ quản lý tiếp cận với túi tiền của giới giàu có. "Tất cả số vốn cổ phần mới sẽ được đưa vào các quỹ của chúng tôi", ông Lipschultz nói.
Tháng trước, nhóm gồm 10 tổ chức cho vay, bao gồm Owl Rock, đồng ý cung cấp một khoản vay trị giá 1,6 tỷ USD cho một công ty môi giới bảo hiểm. Đây được xem là một thương vụ lớn nhất trên thị trường cho vay trực tiếp đến nay. Đầu năm nay, Owl Rock niêm yết BDC trên sàn chứng khoán và hiện công ty này có giá trị gần 7 tỷ USD nhờ sự bùng nổ của hoạt động cho vay trực tiếp.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng truyền thống tránh xa hoạt động cho vay rủi ro và thâm dụng vốn. Khi đó, chính sách lãi suất thấp của chính phủ Mỹ kích thích quỹ hưu trí, tổ chức từ thiện và các nhà đầu tư tổ chức khác rút tiền mặt từ các thị trường đại chúng lợi suất thấp để về đầu tư cá nhân. Lợi dụng xu hướng đó, những công ty như Owl Rock bắt đầu nhảy vào và thành công.