Được thành lập năm 2013, Lozi ban đầu là một ứng dụng cho phép mọi người tìm kiếm các cửa hàng thực phẩm, đồ uống và cà phê. Hiện startup này có 2 ứng dụng hướng tới người dùng: Thứ nhất là Lozi - nền tảng hoạt động theo mô hình kinh doanh thương mại điện tử C2C (Customer to Customer - người dùng bán cho người dùng). Thứ hai là Loship – ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ như giao đồ ăn Loship; Đi chợ hộ Lomart; Giặt ủi Lozat; Giao thuốc Lomed; Giao đồ Lo-Send…
Mới đây, Lozi công bố gọi vốn thành công số tiền lên đến 8 chữ số (từ 10 triệu USD trở lên), do công ty đầu tư Smilegate của Hàn Quốc dẫn đầu.
Với nguồn vốn đầu tư mới, công ty kỳ vọng mang về doanh thu 31 triệu USD trong năm 2020. Startup này cũng dự kiến ra mắt mắt dịch vụ Lo-xe trong thời gian tới, chính thức tham gia thị trường gọi xe đầy khốc liệt và trở thành đối thủ của Grab, Be, GoViet.
Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập và CEO Lozi – người từng được Forbes vinh danh trong Top 30 under 30 Việt Nam năm 2015, Top 30 under 30 châu Á năm 2017 – đã có cuộc trao đổi với Người Đồng Hành sau khi hoàn thành vòng gọi vốn vừa qua.
Xây dựng ứng dụng giải quyết toàn bộ nhu cầu vận chuyển trong một giờ của người Việt
- Mục tiêu của Lozi là trở thành nền tảng cung cấp 20 dịch vụ khác nhau. Hiện nay, startup của anh đã thực hiện được bao nhiêu % trong kế hoạch này và kết quả ra sao?
- Đến thời điểm hiện nay, Lozi đã thực hiện được 60% dịch vụ mong muốn trên ứng dụng Loship. Ứng dụng này cung cấp nhiều dịch vụ tại các thành phố lớn bao gồm giao đồ ăn, gọi xe, thương mại điện tử, dịch vụ giặt ủi, đi chợ hộ, giao thuốc, giao hàng, cung cấp nguyên liệu sỉ, giao hoa, giao đồ dùng thú cưng và 2 dịch vụ đang thử nghiệm nội bộ khác với 2 tập đoạn lớn đến từ Hàn Quốc.
Còn rất nhiều dịch vụ ngách khác mà Lozi mong muốn được cung cấp trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhiều hơn cho người dùng Việt Nam và hơn thế, toàn bộ dịch vụ sẽ được cung cấp trên đúng một ứng dụng duy nhất là Loship.
- Mô hình của Loship đang phát triển hiện nay được đánh giá là khá giống với Gojek - kỳ lân của Indonesia. Tuy nhiên, khi Gojek vào Việt Nam thông qua GoViet, công ty này khá thận trọng trong việc mở rộng dịch vụ. Trong khi đó, với việc cho ra đời hàng loạt dịch vụ mới trong thời gian ngắn, liệu Loship có thể làm tốt từng dịch vụ?
- Loship là công ty Việt Nam, xây dựng bởi đội ngũ người Việt Nam và để phục vụ cho người Việt Nam. Vì vậy, tôi tin với sự am hiểu văn hóa bản địa, hiểu về khách hàng của mình, và luôn đặt lên hàng đầu việc giải quyết vấn đề của người dùng thì việc làm tốt mọi dịch vụ sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Không quan trọng là ngắn hay dài, quan trọng là Loship đã tích lũy sự am hiểu thị trường, không ngừng học hỏi cũng như hiểu được từ những gì mình đã làm được để đúc kết thành công thức và áp dụng cho các dịch vụ mà công ty đang mở ra.
- Trên Fanpage của Loship, một số khách hàng phàn nàn về việc không tìm được tài xế khi sử dụng ứng dụng. Hiện Loship đã có phương án gì để giải quyết bài toán thiếu tài xế?
- Loship đọc toàn bộ phản hồi hàng ngày về các dịch vụ. Trong công ty, nhân sự chăm sóc khách hàng là người trực tiếp báo cáo toàn bộ phản hồi của khách hàng đến tôi. Chính nhờ góp ý của khách hàng, Loship biết mình cần phải làm gì và thay đổi gì. Nhiều khi không có phản hồi tệ của khách hàng, chính tôi cũng không biết mình đang làm đúng hay sai.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh sẽ không thể đi cùng với việc cung cấp đủ tài xế. Dù vậy, số lượng đối tác giao hàng của Loship đang tăng trưởng rất tốt với tổng số hiện nay là hơn 30.000 anh/chị. Loship luôn tự hào và trân trọng những người tài xế nên luôn gọi họ là “Chiến Binh” và xây dựng riêng một team “Chăm sóc Chiến Binh” để mọi vấn đề của anh em tài xế được giải quyết trọn vẹn nhất. Chính CEO là người quản lý trực tiếp team này, và tôi rất tự hào khi xây dựng được một team hết lòng vì đối tác giao hàng như hiện tại.
Loship sắp tham gia thị trường gọi xe. Ảnh: Loship |
- Từ một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống, Lozi đang hướng đến mục tiêu phát triển thành một siêu ứng dụng. Anh và đội ngũ của mình đã gặp phải khó khăn gì trong quá trình phát triển này?
Đó là một quá trình không hề dễ dàng với Lozi. Chúng tôi đã phải trải qua những khoảng thời gian khó khăn không chỉ tài chính, mà cả con người và đôi khi hoài nghi về chính mình. Nhưng điều duy nhất làm chúng tôi có động lực tiếp tục phát triển và nhận ủng hộ của nhà đầu tư, đó là niềm tin rằng người Việt có thể làm được ứng dụng giải quyết toàn bộ nhu cầu vận chuyển trong vòng một giờ. Và chúng tôi đã bắt đầu dịch vụ Loship với niềm tin như vậy.
Khi nhận ra tiềm năng to lớn, cũng như rất nhiều khách hàng ủng hộ, tin tưởng, góp ý cho chúng tôi phát triển, dịch vụ đã nhanh chóng được phát triển lên rất nhiều nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu mua hàng và được giao trong một giờ.
- Để phát triển một siêu ứng dụng, yếu tố công nghệ rất quan trọng. Nền tảng công nghệ của Lozi hiện được phát triển ra sao?
- Lozi luôn đặt lên hàng đầu việc tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng. Một ứng dụng có tạo ra cũng là để người dùng bao gồm cả khách hàng, người tài xế hay chủ cửa hàng đều có thể sử dụng được một cách thuận tiện, thân thiện và thông minh nhất. Đội ngũ công nghệ của Lozi luôn phát triển các tính năng dựa trên kỳ vọng và phản hồi của khách hàng. Để làm được tính năng và công nghệ phù hợp nhu cầu người Việt Nam, team Product (Sản phẩm) luôn được yêu cầu đọc một báo cáo quan trọng mỗi tuần: Khách hàng đang nghĩ gì về chúng ta.
"Chúng tôi không quan tâm nhiều đến đối thủ"
- Thị trường gọi xe đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt với nhiều tên tuổi lớn như Grab, GoViet, Be… Lo-xe của anh sẽ cạnh tranh với các đối thủ như thế nào?
- Chúng tôi đã thử nghiệm nội bộ dịch vụ Lo-xe và tỷ lệ hài lòng, bắt xe đều dưới 30 giây. Đội ngũ phát triển ứng dụng Loship (Lo-xe là dịch vụ trên ứng dụng này) đều không quan tâm nhiều đến đối thủ. Chúng tôi phát triển dịch vụ vì chúng tôi tin rằng, bản thân có thể phục vụ cho khách hàng hiện tại của Loship tốt hơn. Họ đang dùng giao đồ ăn, thương mại điện tử của chúng tôi đều được giao bởi các đối tác tài xế, thì giờ họ cũng có thể được chở bởi chính những đối tác này. Chính bởi vì điều đó, chúng tôi không gặp bất cứ áp lực nào trong việc thuyết phục câu chuyện của mình với đội ngũ và những nhà đầu tư.
- Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đua trên thị trường gọi xe và giao nhận là cuộc đua “đốt tiền”, Loship sẽ thu hút khách hàng bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hay có chiến lược khác?
- Tôi tin thị trường chưa được phục vụ tốt và cơ hội để những công ty mới, cung cấp dịch vụ tốt hơn từ trái tim vẫn còn rất nhiều. Tiền quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Vì cái gì mình làm từ trái tim, thì sẽ đến được trái tim của khách hàng và họ sẽ ở lại với ứng dụng Loship.
Trải nghiệm xuyên suốt là điều quan trọng nhất. Khuyến mãi là ngắn hạn, nhưng trải nghiệm sử dụng dịch vụ đơn giản qua thời gian dài mới là quan trọng. Khách hàng sẽ luôn nhảy từ dịch vụ này sang dịch vụ khác, nhưng nếu cung cấp được dịch vụ tận tâm, đáp ứng nhu cầu khách hàng thì chắc chắn, khách hàng sẽ luôn ở lại với chúng tôi.
- Vòng gọi vốn của Lozi vừa qua có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, anh đánh giá như thế nào về việc các nhà đầu tư nước này ngày càng quan tâm đến startup công nghệ Việt?
- Các nhà đầu tư Hàn Quốc là những người tuyệt vời. Họ có một nền kinh tế tương đối giống với Việt Nam, có thiện cảm và cũng như có nhiều điều muốn giúp những doanh nhân trẻ Việt Nam thành công như những gì họ thấy ở đất nước họ. Tôi tin rằng, sẽ rất nhiều công ty của Việt Nam trong thời gian tới, nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Cảm ơn anh!