Hơn 10 giờ tối, Nguyễn Kim Long (SN 2003) vẫn cặm cụi trên chiếc bàn nhỏ, xung quanh là kính lúp, nhíp, xốp, giấy scan và một chiếc kim tiêm nhỏ để xử lý một con bọ cánh cứng anh vừa lượm được trên đường đi dạo.
Một trong những con bọ cánh cứng được anh Long sưu tầm.
Nhẹ nhàng ngâm con bọ vào cồn, anh Long cho biết, từ khi còn nhỏ, là một người hướng đạo sinh, anh được đi cắm trại khá nhiều và rất yêu thích khám phá thiên nhiên, yêu cây cỏ và các loại côn trùng.
“Mỗi lần đi cắm trại hay đi chơi ở đâu đó, tôi luôn muốn tìm một thứ gì đó để đem về nuôi. Sau này, tôi được tặng một cặp bọ cánh cứng từ Nhật về nuôi cho vui, từ đó nảy ra đam mê với sinh vật nhỏ bé này”, anh Long kể.
Tiêu bản bướm.
Đọc và xem các tài liệu làm tiêu bản cây và côn trùng khô của hướng đạo sinh khi còn bé, anh Long bắt đầu đi lượm lặt xác các loại côn trùng, cây cối ở khắp nơi về tự làm với mục đích sưu tầm.
“Tôi rất yêu thiên nhiên, cây cỏ và đam mê khám phá thế giới sinh vật kỳ thú, vì vậy, tôi tuyệt đối chỉ nhặt xác của các loại côn trùng đã chết để làm, không bao giờ đem bọ sống biến chúng thành chết để làm tiêu bản”, anh Long khẳng định.
Những con bướm đã chết được anh Long nhặt về, sau khi được xử lý qua các bước trở nên sinh động và rất đẹp.
Sau khi ngâm con bọ cánh cứng vào cồn để xác chúng không bị phân huỷ, anh Long tiếp tục mang ngâm với nước ấm để làm mềm các chi của con bọ. Theo anh, với tiêu bản bướm, sẽ phải dùng xi lanh thay vì ngâm trong nước vì cánh của chúng có phấn không thể ngâm nước.
Anh Long hiện tại sở hữu khoảng 300 tiêu bản côn trùng khác nhau.
Tiếp đó, anh Long dùng kim ghim định hình tiêu bản bọ vào miếng xốp, đây là công đoạn khó nhất, cố định tiêu bản thành hình dáng mà bản thân mong muốn, thể hiện “cái hồn” của từng con côn trùng mà người làm muốn lưu giữ.
“Tiêu bản bướm hoặc bọ cánh cứng thường được tạo hình dưới dạng bung cánh hoặc khép cánh. Bước này phải thật cẩn thận để tránh làm gãy chân hoặc gãy cánh, rách cánh của tiêu bản”, anh Long phân tích.
Nhìn những con côn trùng như vẫn đang sống trong môi trường tự nhiên.
Bước cuối cùng, anh Long dùng máy sấy để con bọ được cố định hình dáng, trang trí tiểu cảnh, đóng khung hoặc cho vào hộp để nhìn côn trùng như đang sống trong môi trường tự nhiên.
Từ đam mê côn trùng, cây cỏ, anh Long đã sưu tầm cho mình khoảng 300 loài côn trùng khác nhau từ khắp các vùng miền ở Việt Nam và một số nước trên thế giới với giá từ vài chục nghìn đồng đến cả chục triệu đồng/tiêu bản.
Các tiêu bản có giá trị từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
“Thường việc sưu tầm tiêu bản không khó vì tuổi thọ của các loại côn trùng thường khá thấp, cao nhất cũng chỉ khoảng 1 năm hơn nên việc bắt gặp xác của chúng không khó.
Mình thường hay sưu tầm chúng vào mùa đông và mùa xuân hàng năm, khi mà những chú côn trùng này hết mùa sinh sản và chết.
Từ đam mê côn trùng, anh Long đã có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy bộ môn này khá hay và đã được đem vào giáo dục ở nước ngoài, từ tháng 3/2024 anh Long bắt đầu mở các lớp đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, hướng dẫn các bạn trẻ cách làm tiêu bản côn trùng với mức phí từ 350-390 nghìn đồng/buổi.
Các khoá học làm tiêu bản côn trùng do anh Long tổ chức thu hút sự quan tâm của rất đông các bạn nhỏ và bạn trẻ.
“Với tiêu chí giáo dục và bảo tồn, trong khoá học, mọi người sẽ được phổ biến thông tin về cấu trúc cơ thể côn trùng, cách xử lý và xử trí khi gặp một loại côn trùng nào mình vô tình gặp và thấy thích, muốn sưu tầm và cách sinh sản hay làm tiêu bản côn trùng”, anh Long cho biết.
Đến nay, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, anh Long đã có khoảng trên 500 học viên tham gia lớp học làm tiêu bản côn trùng của mình.
Mỗi khoá học có mức phí từ 350-390 nghìn đồng/buổi.
Mặc dù đang là sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế tại một trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh nhưng anh Long đã có một cửa hàng chuyên về tiêu bản côn trùng, bọ cánh cứng sống và các phụ kiện nuôi sinh sản, bảo tồn các loại côn trùng.
Từ niềm đam mê sưu tầm, bảo tồn các loại côn trùng mà anh Long đã có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.