Công nghệ

Người dùng "cần hạn chế đăng ảnh con lên mạng xã hội"

Khi ra đời cách đây hai thập kỷ, blog và mạng xã hội được coi là nơi kết nối người thân và bạn bè. Trong nhiều năm, nhiều người thoải mái đăng ảnh, video và các thay đổi của con trẻ từ ngày mới sinh đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của quyền riêng tư, của AI với mối nguy về deepfake, nguy cơ bị thu thập dữ liệu khuôn mặt..., điều này và một số thói quen khác nên thay đổi, theo Washington Post.

Không đăng nhiều về con

Việc chia sẻ thông tin về con trước đây có thể được coi là điều bình thường. Tuy nhiên, qua nhiều năm, người dùng nhận ra một nội dung đã đăng lên Internet sẽ gần như không thể kiểm soát hay xóa bỏ. Họ không thể biết thông tin đó được ai, bên nào lưu lại ở đâu và lan truyền đi đâu. Những thông tin tưởng chừng vô hại có thể thành một hình thức bóc lột tinh thần với trẻ, hoặc tiết lộ cho những kẻ săn mồi.

Nếu muốn đăng video, ảnh hoặc câu chuyện cá nhân của con, cần được trẻ đồng ý dù ở lứa tuổi nào. Không nên chọn chế độ công khai (public) và nên sử dụng những tính năng giúp phần nào hạn chế dữ liệu bị lưu lại, như Facebook Stories để nội dung biến mất sau 24 giờ. Nếu thực sự cần đăng công khai, hãy đăng ảnh nghiêng hoặc làm mờ khuôn mặt để bảo bảo sự riêng tư.

Bức ảnh gia đình được Mark Zuckerberg đăng lên Instagram tháng 7/2023.

Bức ảnh gia đình được Mark Zuckerberg đăng lên Instagram tháng 7/2023.

Mark Zuckerberg tạo Facebook, Instagram để khuyến khích người dùng chia sẻ hình ảnh, nhưng chính ông lại che mặt các con bằng emoji hồi giữa năm 2023. "Bằng cách hạn chế chia sẻ khuôn mặt đứa trẻ, danh tính và vị trí, Zuckerberg truyền đạt thông điệp với người dùng rằng cần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội", nhà tâm lý học Alexandra Hamlet nói với CNN.

Đa phần người dùng mạng xã hội không có thói quen này. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh và chuyên gia lo ngại về những rủi ro khi đăng ảnh trẻ em trên mạng xã hội. Không chỉ bị khai thác cho mục đích quảng cáo, khuôn mặt trẻ còn có thể bị thu thập để đào tạo AI, cũng như tiếp tay cho kẻ xấu tạo chuỗi thông tin về một người từ lúc nhỏ tới khi trưởng thành. Leah Plunkett, tác giả cuốn Sharenthood và là Phó trưởng khoa chuyên về kinh nghiệm học tập và đổi mới tại Trường Luật Harvard, cho biết việc che mặt trẻ là điều nên làm. Cách này cho thấy cha mẹ đang trao cho con cái quyền kiểm soát câu chuyện của chính mình, tạo ý thức tự quyết khi chúng lớn lên.

Chỉ đăng thông tin được sự đồng ý

Người dùng cũng không nên đăng ảnh trẻ sơ sinh, ảnh cưới, tin tức ly hôn, tin nhắn... của ai đó trước khi họ cho phép. Những khoảnh khắc và cuộc trò chuyện riêng tư nên được giữ riêng trừ khi được đồng ý chia sẻ.

Điều này không chỉ áp dụng với người quen mà với cả người lạ. Một người xuất hiện ở nơi công cộng không đồng nghĩa người dùng có quyền đăng ảnh họ. Trong thời đại camera ở khắp nơi, không ai muốn bước ra khỏi cửa và lo lắng ai đó không quen biết có thể đưa khuôn mặt của họ đến những người theo dõi trực tuyến.

Kiểm chứng thông tin, ảnh và video

Nếu định chia sẻ bài đăng nào đó, hãy thực hiện một cách có trách nhiệm và cần kiểm chứng. Sự nở rộ của thông tin sai lệch và AI có thể khiến người dùng khó phân biệt thật giả. Chỉ cần chậm lại vài giây để đánh giá hoặc một lệnh tra cứu trên Internet để tìm hiểu thêm bối cảnh là người dùng có thể nhận biết thông tin thật hay bịa đặt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm