Khởi nghiệp

Giám đốc Do Ventures: Thật bất ngờ khi có những sinh viên Việt Nam tạo ra sản phẩm Generative AI mang về doanh thu đáng kể!

Giám đốc Do Ventures: Thật bất ngờ khi có những sinh viên Việt Nam tạo ra sản phẩm Generative AI mang về doanh thu đáng kể! - Ảnh 1.

Các diễn giả tại tọa đàm.

Tại tọa đàm AI Frontier: Funding and Futures in Vietnam, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định lạc quan về sự phát triển của AI tại Việt Nam. 

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC), được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức cùng Amazon Web Services (AWS).

Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp Việt Nam trở thành điểm sáng công nghệ mới trên toàn cầu

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Do Ventures - cho biết các công ty công nghệ đang đầu tư mạnh mẽ vào AI tạo sinh (Generative AI - GenAI). "Thật bất ngờ khi tôi gặp những nhà sáng lập GenAI, thậm chí vẫn còn là sinh viên đại học, nhưng họ đã tạo ra những sản phẩm mang lại doanh thu đáng kể", bà Vy nói.

Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong vài năm qua. Các chuyên gia đều đồng ý rằng yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp phát triển là tạo ra môi trường nuôi dưỡng và hạ tầng thuận lợi. Nền kinh tế ổn định, hệ sinh thái phát triển nhanh chóng, môi trường khởi nghiệp thuận lợi, chi phí thấp và sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và các doanh nghiệp lớn đã tạo điều kiện cho các startup về AI phát triển. 

Từ danh mục đầu tư của Do Ventures, bà Vy cho biết bà đã thấy nhiều nhà sáng lập GenAI được hưởng lợi khi kết hợp cùng các tập đoàn lớn, nơi có sẵn hệ thống và dữ liệu khổng lồ. Điều này đặc biệt ấn tượng khi các tập đoàn tại Việt Nam đều có chính sách hợp tác cùng các startup.

Trong lĩnh vực AI, các quốc gia tiên phong như Mỹ và Trung Quốc có lợi thế lớn về hạ tầng công nghệ, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia và cạnh tranh ở tầng ứng dụng. Theo bà Valerie Vũ - nhà sáng lập Ansible Ventures, với trí tuệ và khả năng của các kỹ sư Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể vươn ra thế giới với các ứng dụng AI. 

"Trong khi các nước phương Tây chú trọng phát triển phần mềm, Việt Nam lại có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa đảm nhận phần mềm vừa không quên phát triển phần cứng," bà Valerie Vũ chia sẻ.

Bà Valerie cũng cho biết, nhiều nhà sáng lập tại các thị trường có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển như Mỹ và Singapore đang quan tâm và tìm cách tiến vào thị trường Việt Nam. Họ tìm kiếm cơ hội kết nối với các đối tác trong nước, và tin rằng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam có thể được nâng tầm với sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu. 

Nhiều startup phát triển hoặc ứng dụng AI trong hoạt động tin rằng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam có thể được nâng tầm với sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới hồi tháng 1/2024 tại Davos (Thụy Sỹ), lần đầu tiên trong lịch sử AI đã chiếm sóng, trở thành chủ đề nóng hàng đầu, bên cạnh những vấn đề khác như an ninh, việc làm và khí hậu. Trong phạm vi rộng của AI thì GenAI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) là chủ đề nóng nhất trong thời gian vừa qua. 

Đây là bước tiến của việc công nghệ có thể mô phỏng trí tuệ con người, tạo ra nội dung mới (điển hình như văn bản, hình ảnh, âm nhạc, video) từ các dữ liệu mà nó được huấn luyện. GenAI thay đổi hoàn toàn hành vi và cách thức con người làm việc, học tập, giải trí, sáng tạo nghệ thuật, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống.

Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực.

Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu". Chương trình hướng đến mục tiêu là một sân chơi trí tuệ, hội tụ các nguồn lực để cùng hợp tác, tạo ra những ý tưởng đột phá và tận dụng tiềm năng, nắm bắt cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, từ đó giúp các doanh nghiệp đạt được những thành công mới, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm