Trích dẫn bốn nguồn tin, Reuters cho biết ByteDance sẽ không thoái vốn TikTok cho bất kỳ công ty nào khác. Trong trường hợp xấu nhất, hãng Trung Quốc sẽ đóng cửa ứng dụng.
Một nguồn tin cho biết TikTok Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance. Do đó, việc nền tảng ngừng hoạt động tại đây "không tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh".
Bên cạnh đó, ByteDance chấp nhận đóng cửa TikTok tại Mỹ vì "không muốn phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình". Các thuật toán của nền tảng được coi là "món nước sốt bí mật" tạo nên thành công mà hiện không có công ty mạng xã hội nào có được.
ByteDance và TikTok từ chối bình luận.
Trước đó, The Information đưa tin ByteDance đang "xây dựng các kịch bản về hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ mà không cần thuật toán đặc biệt". Công ty sau đó khẳng định trên nền tảng Toutiao rằng họ không có kế hoạch bán TikTok.
Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải rút khỏi Mỹ, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.
CEO TikTok Shou Zi Chew tin nền tảng sẽ giành chiến thắng trong nỗ lực pháp lý nhằm chặn đạo luật vừa được Tổng thống Biden thông qua. "Đây rõ ràng là lệnh cấm nhằm vào TikTok. Nhưng hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Sự thật và Hiến pháp Mỹ đều đứng về phía chúng tôi", ông nói vào cùng ngày.
Phát ngôn viên của TikTok trước đó chỉ trích đạo luật sẽ "tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ, gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, khiến các nghệ sĩ mất khán giả và phá hủy sinh kế của người sáng tạo trên khắp nước này".
Do không phải là công ty đại chúng, ByteDance không công khai kết quả kinh doanh. Theo một số nguồn tin, công ty chủ yếu kiếm tiền ở Trung Quốc nhờ Douyin - nền tảng "chị em" của TikTok.
(theo Reuters)