Thông điệp này được Tổng giám đốc Masan Consumer Holdings (MCH) – Trương Công Thắng nói tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, sáng 25/4.
Điểm tựa cho mục tiêu doanh thu thách thức là khả năng khai thác tốt thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam, cùng kế hoạch xây dựng hệ sinh thái sản phẩm tiếp cận thị trường tiêu dùng bên ngoài (out-of-home), cung cấp các sản phẩm thay thế cho bữa ăn tại nhà và nhà hàng.
Tại thị trường trong nước, ông Thắng cho biết, Masan Cumsumer muốn phục vụ những mục tiêu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng Việt Nam. Mở đầu phần chia sẻ, Tổng giám đốc MCH kể câu chuyện về chai nước tương Tam Thái Tử, giá 7.000 đồng. Không phải các dòng sản phẩm cao cấp, chai nước tương giá thành hợp lý, bất cứ người dùng nào có thể tiếp cận trở thành niềm tự hào nhất với người điều hành doanh nghiệp.
"Chỉ với 7.000 đồng, một gia đình không có thu nhập không ổn định vẫn có thể tiếp cận được để giải quyết nỗi lo về gia vị trong ít nhất 2 tuần. Chúng tôi đáp ứng mọi nhu cầu từ nhỏ nhất của người Việt", ông Thắng nói.
Theo nghiên cứu của Masan, hiện thị trường FMCG Việt Nam có quy mô 32 tỷ USD, song MCH mới phục vụ khoảng 8 tỷ USD, tức chỉ chiếm 25% thị trường.
"Công ty vẫn còn nhiều việc phải làm để khai thác hết dư địa phát triển", ông Thắng nói và cho biết thêm doanh nghiệp muốn đi từ đi góc bếp đến các sản phẩm trong tủ lạnh, phòng khách, nhà tắm... để phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tương lai, MCH không chỉ dừng lại ở mong muốn hiện diện trong mỗi ngôi nhà Việt. Xa hơn, doanh nghiệp này hướng đến mục tiêu đưa thương hiệu Việt ra thế giới để "mỗi gia đình trên thế giới sử dụng một sản phẩm của Masan".
Để giải bài toán này, Masan Consumer làm gì? Công ty đặt mục tiêu 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu. Song song, MCH mở rộng thị trường bằng các khai phá ngành hàng phục vụ tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.
Dẫn chứng cho chiến lược này, ông Thắng lấy ví dụ về sản phẩm lẩu tự sôi của Omachi. Ra mắt cách đây một năm, sản phẩm luôn nằm trong nhóm doanh số cao trên sàn thương mại điện tử, "cháy hàng" trên các phiên livestream trên Tiktok.
Với nhóm sản phẩm phục vụ ngành hàng tiêu dùng bên ngoài (out-of-home), công ty bán sản phẩm, đồng thời, cung cấp cả các trải nghiệm gắn với mặt hàng. Trong tương lai, Masan sẽ ra mắt sản phẩm cơm tự sôi, giúp người dùng thưởng thức ẩm thức với tiêu chuẩn nhà hàng, "ngon như trút ra từ chảo của đầu bếp".
Bên cạnh đó, xuyên suốt hơn 30 phút nói trước cổ đông, ông Thắng nhấn mạnh chìa khóa xây dựng "thương hiệu mạnh". Hiện MCH đang sở hữu các nhãn hàng với doanh thu từ 150-250 triệu mỗi năm, góp 80% doanh thu của doanh nghiệp gồm Kokomi, Omachi, Chin-su, Nam Ngư và Wakeup 247.
"Chúng tôi dành 80% ngân sách để tập trung xây dựng thương hiệu, để giới thiệu đến với người tiêu dùng về những thương hiệu mạnh", ông Thắng nói và đặt mục tiêu sẽ sở hữu sáu thương hiệu tỷ USD trong 10 năm tới.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ cao cấp hóa các sản phẩm chính, mở rộng phạm vi sản phẩm và thị trường, không chỉ dừng lại ở 100 triệu người Việt mà xa hơn là 8 tỷ người trên toàn cầu.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group gọi Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo" của Tập đoàn. Năm 2023, công ty này thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022.
Doanh thu thuần của Masan Consumer dự kiến đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng trong năm 2024 với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc gia đình, cá nhân.