Doanh nghiệp

Chủ tịch Transimex Bùi Tuấn Ngọc: Nhà đầu tư bên ngoài sở hữu được 500.000 cổ phiếu TMS phải hiếm như ‘sách đỏ’

Ngày 25/4, CTCP Transimex (Mã: TMS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận, dừng triển khai chào bán 200 tỷ trái phiếu ra công chúng và các nội dung quan trọng khác.

Ông Lê Duy Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, báo cáo năm 2023 công ty đem về lợi nhuân trước thuế 214 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện 2022 và bằng 68% kế hoạch. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 12%, trong đó 5% bằng tiền và 7% bằng cổ phiếu, thấp hơn so với kế hoạch 15 - 20%.

Công ty đã hủy phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và 2022.

Phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi TMSCB2020 dự kiến khởi động lại vào quý IV/2023, sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết do các phương án sử dụng vốn dự kiến lớn hơn 200 tỷ đồng, nên đề xuất với ĐHĐCĐ thường niên 2024 hủy phương án này và chuyển qua thực hiện phương án chào bán 700 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua. Lô trái phiếu này (700 tỷ đồng) nhằm cho các nhu cầu vốn hoạt động tài chính và đầu tư 2025-2026.

Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần gần 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 419 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 15 - 20% bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu. So với thực hiện 2023, doanh thu tăng 21% và lợi nhuận gấp đôi.

Mặt khác, công ty muốn thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ kết thúc năm 2021. Tổng số tiền đã huy động là 488,5 tỷ đồng, trong đó phần vốn huy động cho dự án chiếm 153 tỷ đồng.

Thay vì dùng 153 tỷ đồng thực hiện dự án đầu tư cảng cạn Transimex tại Yên Mỹ, Hưng Yên, ban lãnh đạo đề xuất đầu tư mua tàu vận tải biển container 93 tỷ đồng và nhận chuyển nhượng 99,98% phần vốn góp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại KCN VSIP II 60 tỷ đồng. Lý do điều chỉnh là để khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính.

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Transimex (cầm mic) chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: X.N).

PHIÊN THẢO LUẬN

-Kế hoạch chia cổ tức năm 2023 ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua tỷ lệ 15 - 20%. Tại sao năm nay công ty trình việc chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 12% (5% tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu)?

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Tài chính: Với 191 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng 2023, công ty phân phối cổ tức tối đa với tỷ lệ là 12%, dựa trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Việc chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu căn cứ trên dòng tiền hoạt động dự kiến năm 2024 của công ty, chứ không dựa trên tỷ lệ bình quân gia quyền để chi trả cổ tức.

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT: Ban lãnh đạo cũng muốn chia 15-20% nhưng thực tế Transimex không hoàn thành kế hoạch đã đề ra năm 2023. Mức lợi nhuận hụt hơn đáng kể nên không đủ để chia cổ tức như dự kiến.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng có những rào cản, không phải muốn chia bao nhiêu thì chia. Năm 2023, công ty đã phát hành thêm cổ phiếu, làm tăng vốn điều lệ lên. Theo đó, công ty không thể chia đủ tối thiểu 15% như đã đề ra.

Theo báo cáo tài chính, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm từ 250 tỷ năm 2022 xuống 40 tỷ đồng năm 2023. Các đơn vị nào đang kinh doanh kém hiệu quả?

Ông Bùi Tuấn Ngọc: Các công ty đã hoạt động trong khả năng. Công ty liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam) năm 2023 đã không hoàn thành kết hoạch, chỉ khoảng 30%, do tình hình chung của thị trường. Theo quan sát, hầu hết các công ty logistics trên thị trường không đạt được kế hoạch, vì toàn ngành gặp khó khăn về chuỗi cung ứng, sản xuất, may mặc, đồ gỗ đều bị ách tắc kể cả nhập và xuất khẩu. Một yếu tố nữa là chiến tranh làm cước tàu biển tăng giá đột ngột, khiến nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, một số thành viên nằm trong diện lỗ theo kế hoạch, dù công ty không muốn kéo dài như thế. Như Cảng Mipec, năm nay chỉ kỳ vọng ít lỗ hơn.Trường hợp đơn vị khác thì do tàu đã “già” phải thanh lý luôn cả 2 tàu, nếu còn duy trì thậm chí lỗ nhiều hơn.

Từ việc thanh lý tàu Transimex cũng sẽ có khoản lãi từ thanh lý tàu, đồng thời đã giảm số lượng nhân viên tại đây. Transimex dự kiến sẽ đầu tư thêm tàu để thành một cặp với tàu của đơn vị trên, tăng khả năng khai thác. Nhìn chung đa phần đơn vị đã gặp khó khăn.

Danh sách lỗ còn có CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (HNX: VNT), lỗ năm thứ hai liên tiếp. Đối với Cảng Mipec, con số lỗ lớn do đây là trường hợp công ty phải trả trước tiền thuê đất với lãi suất cao. Chúng tôi đang làm việc với các ngân hàng để tái cấu trúc khoản vay này, nhằm giảm chi phí lãi này xuống... 

-Cổ phiếu TMS kém thanh khoản trên thị trường. HĐQT có kế hoạch nào để làm tăng sức hút cổ phiếu đến nhà đầu tư trong thời gian tới?

Ông Bùi Tuấn Ngọc: Hiện 4 nhóm cổ đông lớn nhất đã chiếm hơn 95% vốn và không bên nào muốn “bỏ cuộc” cả. Phần còn đa phần trong tay lãnh đạo, cán bộ lâu năm của Transimex. Còn ở ngoài, nếu để kiếm được 500.000 cổ phiếu TMS phải hiếm như “sách đỏ”.

Cổ đông Thái Lan đã xem qua chường trình và hôm nay ủy quyền 100% cho cá nhân tôi. Cổ đông này đã xem đã chiếm khoảng 24% vốn và vẫn đang còn mua tiếp. Ông Hiệp (Phó Chủ tịch) tuần trước đã gửi thư phản đối việc tại sao lén mua cổ phiếu mà không công bố thông tin, vi phạm điều khoản.

Cổ đông thứ hai từ Nhật Bản. Hai cổ đông lớn nhất sở hữu tổng cộng khoảng 47% vốn TMS. Cổ đông thứ ba là cổ đông Nhà nước, luôn giữ khoảng 3-4% vốn, không có quy chế hay quy trình để tăng hay thoái vốn. Ba cổ đông này sở hữu tổng cộng khoảng 51% vốn TMS.

Nhóm cổ đông Thiên Hải giữ khoảng 46% vốn. Do đó, thanh khoản cổ phiếu là khó khăn. Nhóm này (nhóm Thiên Hải - PV), mục tiêu là để bảo vệ quyền lao động, cũng mang ý nghĩa là một trong những doanh nghiệp logistics cuối cùng do người Việt Nam nắm giữ và hoàn toàn thể so găng với các tập đoàn logistics trên thế giới.

“Nếu như 2 cổ đông nước ngoài cộng lại, Transimex sẽ trở thành công ty nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài có tiềm lực vốn, và họ có thể mua bán lẫn nhau, chỉ cần do ý chí về thị phần chứ không phải hiệu quả ngay năm đầu tiên.

Do đó, thanh khoản ổ phiếu khó có thể cải thiện trong tương lai gần. Ngoại trừ trường hợp cổ đông Thái Lan thoái vốn có trật tự và hòa hết tất cả vào thị trường. Nhóm cổ đông lớn khoảng 40% vốn của Transimex không thể rút ra được. Nếu 2 cổ đông Thái Lan và Nhật mua vốn thì như đã nói phía trên.”, ông Ngọc nhận định.

-Logistics Long An dự kiến đóng góp như thế nào vào kết quả kinh doanh 2024?

Ông Bùi Tuấn Ngọc: Logistics Long An hiện có 55.000 vị trí pallet (kệ kê hàng). Tất cả kho hàng hiện tại của Transimex đều không thể so được với kho này. Tin tốt là Transimex đã có 40.000 vị trí trong kho đó, phần ngoài công ty cũng đã lấp đầy. Đây là thành quả đáng ghi nhận của đội ngũ tại Long An.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm