Theo Reuters, trong thư gửi các nhà lập pháp vào tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết "đang đánh giá rủi ro tiềm ẩn" về việc Trung Quốc sử dụng RISC-V cho các hoạt động sản xuất chip. Cơ quan này sau đó sẽ cân nhắc có đưa ra hành động thích hợp để giải quyết hiệu quả mọi mối lo ngại hay không.
Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý sẽ "hành động cẩn thận" để tránh gây tổn hại cho các công ty Mỹ đang là thành viên của các tập đoàn quốc tế có hoạt động trên công nghệ RISC-V. Điều này từng xảy ra với 5G, khi các công ty Mỹ không thể tiếp cận các tiêu chuẩn nguồn mở quốc tế mà Trung Quốc cũng là thành viên, gây nguy hiểm cho vai trò lãnh đạo của Mỹ.
RISC-V là kiến trúc tập lệnh (ISA), được sử dụng trong thiết kế bộ xử lý. Công nghệ chip nguồn mở này ra đời tại Đại học California năm 2010, nhưng hầu hết sự đóng góp đến từ toàn cầu dưới dạng phi lợi nhuận, không chịu sự ràng buộc bởi bất kỳ quốc gia nào. Là nguồn mở, RISC-V được đánh giá có thể cạnh tranh với công nghệ độc quyền từ Arm Holdings, công ty thiết kế phần mềm và bán dẫn đứng sau kiến trúc ARM có trên hầu hết thiết bị số hiện nay, từ smartphone đến chip AI.
Chuẩn này trở nên phổ biến năm 2015 khi toàn bộ chi tiết công nghệ được cung cấp miễn phí cho các nhà phát triển dưới sự giám sát của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ. Sự chú ý đến RISC-V ngày càng lớn khi Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc tham gia tài trợ. Những người sáng tạo đã so sánh nó với Ethernet, USB và thậm chí là Internet - những thứ được cung cấp miễn phí và thu hút sự đóng góp từ khắp thế giới, giúp việc chế tạo bán dẫn nhanh và rẻ hơn.
RISC-V đang được nhiều công ty Trung Quốc như Alibaba, Huawei sử dụng, trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ chip tiên tiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuối năm ngoái, 18 nhà lập pháp từ lưỡng viện Mỹ yêu cầu Quốc hội thực hiện kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc "đạt được sự thống trị về công nghệ RISC-V và tận dụng sự thống trị đó để gây tổn hại đến an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ".
Theo ước tính của Semico Research tại Arizona (Mỹ), số lượng chip có ít nhất một công nghệ RISC-V sẽ tăng với tốc độ 73,6% mỗi năm cho đến 2027. Đối với các công ty Trung Quốc, RISC-V đang nổi lên như một cơ hội để họ bắt kịp đối thủ nước ngoài, trong bối cảnh đang bị cấm sử dụng công nghệ Mỹ hoặc có nguồn gốc từ Mỹ.
"Chúng tôi nhận thấy RISC-V sẽ giúp Trung Quốc có cơ hội phát triển CPU của riêng mình", Nathan Ma, Giám đốc chiến lược cấp cao của công ty chip Nuclei, nói với SCMP giữa năm ngoái.