Sau khi VĐV Nguyễn Thị Oanh lập thành tích đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam và Đông Nam Á khi là vận động viên đầu tiên giành 2 huy chương vàng ở hai nội dung "khủng" 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng hơn 30 phút chiều ngày 9/5, tập đoàn Thaco Auto (Tập đoàn thành viên của Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương) đã gửi tặng Nguyễn Thị Oanh chiếc Peugeot 2008 trị giá trên 900 triệu đồng (đã bao gồm các khoản thuế, phí).
Ngoài ra doanh nghiệp còn gửi tặng kèm 200 triệu đồng cho các VĐV điền kinh Việt Nam đang thi đấu tại SEA Games 32 trên đất Campuchia.
Theo tìm hiểu, CTCP ô tô Trường Hải tiền thân là Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) được thành lập vào ngày 29/04/1997, tại Đồng Nai. Người sáng lập là ông Trần Bá Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đến nay Thaco có vốn điều lệ 30.510 tỷ đồng, do gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương nắm 70% và JC&C nắm hơn 26%.
Thaco Auto tặng Nguyễn Thị Oanh chiếc Peugeot 2008 trị giá trên 900 triệu đồng
Tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương còn được biết đến với các hoạt động M&A. Gần đây nhất, tháng 1/2021, Thaco đã chi hàng nghìn tỷ đồng để chính thức tiếp quản CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) của bầu Đức.
Tính đến hết năm 2022, công ty nông nghiệp này đang lỗ lũy kế gần 7.000 tỷ đồng. Theo dự báo của tỷ phú Trần Bá Dương, đến năm 2024 thì HAGL Agrico mới có thể có lợi nhuận khả quan hơn.
Một thương vụ mua lại đình đám khác là việc nhận chuyển nhượng 100% vốn và nhận nhượng quyền độc quyền thương hiệu siêu thị Emart của Hàn Quốc vào tháng 9/2021. Trong đó, THACO sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Thaco đã phát triển vượt bậc và trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành gồm: Thaco Auto (Ô tô), Thaco Agrico (Nông Lâm nghiệp); Thaco Industries (Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ), Thadico (Đầu tư xây dựng), Thilogi (Logistics) và Thiso (Thương mại dịch vụ).
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính năm 2019 được công bố, Thaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.368 tỷ đồng, giảm 14% so với 2018. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.820, giảm gần 21%.
Về tình hình tài chính, cuối năm 2019, Thaco có tổng tài sản lên tới 106.794 tỷ đồng, tăng 43% so với con số 74.835 tỷ đồng của đầu năm. Trong đó, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 1.550 tỷ đồng. Năm 2019, công ty lãi 184 tỷ đồng từ cho vay và lãi tiền gửi ngân hàng.
Nợ phải trả của tập đoàn tại cuối năm 2019 là 67.496 tỷ đồng, trong đó đi vay 40.387 tỷ, đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Năm 2019, Thaco phải trả 1.675 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Vốn chủ sở hữu tại cuối tháng 12/2019 là 39.298 tỷ, bao gồm 16.950 tỷ đồng vốn góp, gần 13.931 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Kể từ ngày 1/1/2021, Thaco hủy tư cách công ty đại chúng do không còn đáp ứng điều kiện có 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Theo sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương đang huy động 6.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn 5 năm, các lô trái phiếu này được Thaco phát hành từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2021.
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinbankSc) định giá Thaco có giá trị vốn hóa đạt khoảng 3,8 tỷ USD - chưa bằng một nửa con số mà JC&C đã định giá. Trước đó, tháng 2/2019, Jardine Cycle & Carriage (JC&C, công ty Singapore) định giá doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Bá Dương có giá trị vốn hóa đạt 9,4 tỷ USD.
Trong năm 2023, Thaco đề ra chỉ tiêu doanh thu ô tô 90.000 tỷ, mảng nông nghiệp 10.000 tỷ, triển khai 24 dự án thương mại và hạ tầng... nộp ngân sách 35.000 tỷ, tăng 16%, trong đó tại tỉnh Quảng Nam là hơn 26.800 tỷ đồng, tăng 9% so với 2022, bao gồm thuế nội địa là hơn 18.100 tỷ đồng; thuế xuất nhập khẩu là hơn 8.700 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2022, Thaco nộp ngân sách Nhà nước hơn 30.300 tỷ đồng, trong đó tại Quảng Nam là hơn 24.600 tỷ đồng.