SIM chính chủ là SIM điện thoại di động đã được đăng ký thông tin cá nhân của người sử dụng một cách đầy đủ và hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thông tin nhà mạng cập nhật và lưu trữ gồm họ tên, số căn cước/căn cước công dân còn hiệu lực, ảnh chân dung.

Người dân ở TP.HCM đi đăng ký SIM chính chủ
ẢNH: NHẬT THỊNH
Theo quy định tại điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các chủ thuê bao di động phải cung cấp thông tin về nhân thân của mình một cách chính xác gồm thông tin: họ và tên, thẻ căn cước hoặc căn cước công dân còn hiệu lực, ngày cấp, nơi cấp với các nhà mạng cung cấp SIM. Người đứng tên phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với việc sử dụng số thuê bao này.
Như Thanh Niên đã thông tin ở bài trước: 5 trường hợp chủ thuê bao có thể bị khóa SIM và thu hồi số điện thoại gồm: người dùng không đăng ký thông tin cá nhân chính xác; thuê bao không hoạt động trong một thời gian dài; SIM dùng hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật; SIM đăng ký vượt quá giới hạn của nhà mạng; thu hồi số điện thoại theo yêu cầu của chủ thuê bao.
Hiện nay, việc đăng ký SIM bằng thẻ căn cước hoặc căn cước công dân chính chủ là bắt buộc. Cơ quan quản lý phối hợp các nhà mạng vẫn liên tục rà soát các thuê bao không chuẩn hóa thông tin nhằm giảm thiểu tối đa SIM rác, SIM không chính chủ, sử dụng SIM để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...
Nếu người dùng vô tình bị mất SIM, bị khóa SIM vì quên cập nhật thông tin hay vì lâu không sử dụng bị khóa 1 chiều hoặc 2 chiều... thì chỉ người đăng ký chính chủ mới có thể làm lại SIM hoặc yêu cầu hỗ trợ từ tổng đài của nhà mạng.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nếu người dùng sử dụng SIM không chính chủ có thể bị yêu cầu chuẩn hóa lại thông tin. Nếu trong thời gian nhất định không phản hồi, hoặc không chuẩn hóa lại thông tin thì SIM sẽ bị khóa, hoặc thu hồi nếu không tuân thủ.

Người dân đăng ký SIM chính chủ, cập nhật thông tin thuê bao theo yêu cầu của nhà mạng qua mạng
ẢNH: NHẬT THỊNH
Duy trì số thuê bao bằng cách nào?
Nếu SIM điện thoại lâu không sử dụng nhưng người dùng vẫn muốn giữ số thuê bao, tránh bị khóa SIM hay thu hồi thì người dùng phải phát sinh ít nhất một hoạt động nghe gọi, nhắn tin, hoặc nạp tiền trong mỗi tháng để đảm bảo SIM luôn trong trạng thái hoạt động. Nếu không sử dụng SIM từ 3 tháng đến 6 tháng sẽ bị khóa SIM và thu hồi số điện thoại.
Người dùng phải lưu ý, nếu SIM điện thoại chỉ mới bị khóa một chiều hoặc hai chiều (chưa bị thu hồi số thuê bao), có thể đến cửa hàng giao dịch nhà mạng để mở lại, hoặc gọi tổng đài nhà mạng để hỗ trợ, miễn là còn trong thời hạn giữ SIM theo quy định. Nếu số thuê bao đã bị thu hồi và cấp cho người dùng mới, thì không thể lấy lại.
Cơ quan quản lý đã ban hành các quy định mới về sử dụng SIM điện thoại, nhằm siết chặt quản lý và đảm bảo tính chính xác của thông tin người dùng. Vì vậy, để tuân thủ quy định mới về sử dụng SIM điện thoại, người dùng có thể đăng ký SIM chính chủ như dưới đây:
Cách 1: Đăng ký SIM chính chủ trực tiếp tại điểm giao dịch của nhà mạng
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
Theo quy định về đăng ký SIM chính chủ, người dùng cần chuẩn bị một số giấy tờ cá nhân phải trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đảm bảo tính chính xác như là thẻ căn cước, căn cước công dân, hộ chiếu. Một số nhà mạng yêu cầu ảnh chân dung để xác minh thông tin chính xác.
Bước 2: Đến điểm giao dịch của nhà mạng
Người dùng SIM đến cửa hàng hoặc điểm giao dịch của nhà mạng để yêu cầu đăng ký SIM chính chủ. Sau đó điền thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, số thẻ căn cước/căn cước công dân và địa chỉ cư trú.
Nhà mạng sẽ kiểm tra tính xác thực của các thông tin này qua hệ thống đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau đó, xác nhận và chụp ảnh, có một số nhà mạng sẽ yêu cầu chụp ảnh trực tiếp tại quầy để đối chiếu với giấy tờ tùy thân, nhằm đảm bảo tính chính xác của danh tính.
Bước 3: Hoàn tất thủ tục
Sau khi xác minh thông tin thành công, SIM chính chủ sẽ được kích hoạt và người dùng có thể sử dụng ngay.
Cách 2: Đăng ký SIM chính chủ trực tuyến
Người dùng có thể thực hiện quy trình này qua các ứng dụng Google Play hoặc App Store hoặc website chính thức của nhà mạng.
Bước 1: Đăng nhập tài khoản
Đăng nhập vào tài khoản của bạn bằng số điện thoại hoặc tạo tài khoản mới nếu chưa có tài khoản. Sau đó, chọn mục đăng ký SIM chính chủ, theo đó, trên giao diện chính, chọn mục "Đăng ký thông tin thuê bao" hoặc "Chuẩn hóa thông tin thuê bao".
Bước 2: Tải lên giấy tờ cá nhân: Người dùng cần tải ảnh chụp thẻ căn cước/căn cước công dân và ảnh chân dung theo yêu cầu của nhà mạng.
Bước 3: Xác nhận và chờ xử lý: Sau khi hoàn tất việc điền thông tin, gửi yêu cầu và chờ nhà mạng xác minh. Nếu thông tin hợp lệ, SIM sẽ được chuyển sang trạng thái chính chủ.
Người dùng SIM điện thoại cần kiểm tra thông tin SIM chính chủ hay chưa thì soạn tin nhắn TTTB gửi 1414 để kiểm tra. Lưu ý, nếu phát hiện thông tin sai sót hoặc chưa đầy đủ, bạn có thể cập nhật trực tiếp tại các điểm giao dịch của nhà mạng hoặc qua các ứng dụng trực tuyến của nhà mạng.