Chứng khoán

Nhiều quỹ mở tăng gấp 2-3 lần VN-Index

Nửa đầu năm nay, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Từ mức 1.130 điểm hồi cuối năm, chỉ số này cải thiện khi tâm lý thị trường dần lạc quan. Cuối tháng 3, VN-Index đạt mốc 1.280 điểm, nhiều cổ phiếu tăng và đạt đỉnh giá.

Tuy vậy, trước những số liệu thực tế về nền kinh tế không như kỳ vọng của quý I, chứng khoán vào nhịp điều chỉnh, nặng nề nhất là phiên sụt gần 60 điểm vào giữa tháng 4. chỉ số của sàn HoSE phục hồi dần từ nửa sau tháng 5 và vượt mốc 1.300 điểm khoảng một tháng sau đó.

Những ngày cuối quý II, chỉ số này rút về quanh 1.245 điểm. Tổng lại, VN-Index tăng trung bình khoảng 10,3% trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, thị trường ghi nhận nhiều quỹ đầu tư mở đạt hiệu suất tốt hơn hẳn con số trên. Quỹ mở là quỹ được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư. Các quỹ được quản lý bởi công ty chuyên nghiệp, sẽ dùng tiền đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu, kỳ vọng giúp nhà đầu tư có lợi nhuận trong trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể bán lại chứng chỉ quỹ bất cứ lúc nào để chuyển thành tiền mặt khi cần.

Dẫn đầu là Quỹ đầu tư cổ phiếu Kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) với mức tăng khoảng 30,2% - gấp 3 lần mặt bằng chung của sàn HoSE. Đây là một quỹ trẻ tuổi khi mới thành lập tháng 5/2023 với hiệu suất đến cuối năm ngoái xê xích không nhiều so với VN-Index (12,5% so với 12,2%). VMEEF đầu tư chủ yếu vào các ngành gắn liền với xu hướng đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế số.

Ở vị trí thứ hai, Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SCA) có hiệu suất hơn 27%. Quỹ này đầu tư vào các doanh nghiệp đầu nghành và đang được định giá hấp dẫn. Xếp thứ ba là Quỹ đầu tư Cổ phiếu tăng trưởng Mirae Asset Việt Nam (MAGEF) với mức tăng gần 23,9%. Tương tự, khẩu vị của quỹ là nhóm doanh nghiệp đầu ngành và có khả năng sinh lời vượt trội.

Hai quỹ theo sau có hiệu suất gấp đôi VN-Index là Quỹ đầu tư Chứng khoán năng động Dragon Capital (DCDS) và Quỹ đầu tư Cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) với mức tăng lần lượt là 21,9% và 20,4%. Cả hai chung khẩu vị là các doanh nghiệp có nền tảng tốt và giàu tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên DCDS ưu tiên thêm các mã có mức định giá hấp dẫn, còn BVPF kết hợp giữa hai nhóm giá trị và tăng trưởng.

Ngoài 4 quỹ kể trên có hiệu suất hơn 20%, thị trường ghi nhận thêm khoảng 12 quỹ mở đạt mức tăng trưởng vượt VN-Index.

Tuy có tiêu chí chọn lọc khác nhau, điểm chung của quỹ mở là chuộng các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt, thường nằm ở nhóm đầu ngành. Những mã đứng đầu danh mục của các quỹ đa số là cổ phiếu trụ, thanh khoản lớn và có mức tăng đáng kể trong nửa đầu năm nay.

Trong đó, FPT là mã được chuộng rót tiền nhất khi có mặt trong top 5 danh mục của 13 quỹ mở đạt hiệu suất cao trên thị trường. 6 tháng đầu năm, cổ phiếu công nghệ này tăng khoảng 35,1% lên trên vùng giá 130.000 đồng một đơn vị. Động lực tăng trưởng đến từ cú bắt tay với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA và kết quả kinh doanh thuận lợi (lãi trước thuế 5 tháng đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng gần 20%).

Theo sau là ACB khi góp mặt trong top 5 danh mục có 11 quỹ đầu tư hiệu suất cao. Chốt tháng 6, thị giá mã này chỉ xê xích nhẹ so với đầu năm, đạt gần 24.000 đồng một đơn vị. Tuy nhiên trong tháng 4, cổ phiếu có lúc chạm vùng đỉnh 31.000 đồng. Với nền lãi suất duy trì thấp, ACB được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng khi họ có lợi thế mảng khách hàng cá nhân như cho vay tiêu dùng, vay hộ kinh doanh, vay mua nhà.

Xếp các vị trí sau lần lượt là HPG (9 quỹ), bộ ba TCB - MBB - MWG (6 quỹ) và CTG (4 quỹ). Các mã này từng thay nhau dẫn dắt thị trường ở nhiều phiên giao dịch khi hưởng lợi từ triển vọng chung của ngành và câu chuyện tích cực riêng thuộc mỗi doanh nghiệp.

Như vậy trong nửa đầu năm, các chuyên gia thuộc quỹ đầu tư ưu tiên rót tiền cho ngành ngân hàng và một số mã đầu ngành thuộc nhóm công nghệ và bán lẻ.

Trong đó, theo VNDirect ngân hàng có mặt bằng chung kém tích cực hơn nhiều ngành với mức tăng bình quân khoảng 23,5%. Tuy nhiên những mã cổ phiếu mà các quỹ đầu tư chọn lại đạt hiệu suất tốt, có nhịp sóng tích lũy khá ấn tượng nhờ tăng trưởng tín dụng cao (MBB, TCB), lợi nhuận top đầu (TCB, CTG, MBB) hay triển vọng tăng trưởng tốt (ACB)...

Việc các quỹ đầu tư đạt hiệu suất sinh lời tốt hơn mặt bằng chung của thị trường, theo ông Võ Trung Cương - Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Thành Công (TCAM), có nhiều lý do. Thứ nhất là yếu tố thời gian, công sức theo dõi thị trường. Thứ hai là yếu tố kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn khi các quỹ nói chung có đội ngũ chuyên gia dành toàn thời gian theo dõi các thông tin và biến động, kịp thời đưa ra những đánh giá phân tích và kế hoạch hành động phù hợp nhất để quản trị rủi ro.

Thêm một lý do nữa là việc đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Các quỹ rót tiền với lượng vốn lớn sẽ rất dễ xây dựng danh mục nhiều cổ phiếu khác nhau ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Thông thường, danh mục các quỹ đều có trên 10 mã.

"Trong trung và dài hạn, chứng chỉ quỹ sẽ có hiệu suất đầu tư ổn định hơn so với việc nhà đầu tư tự mua cổ phiếu", ông Cương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) - cho biết với những yếu tố tích cực như tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, mặt bằng lãi suất vẫn giữ ở mức thấp và dòng vốn FDI tìm đến Việt Nam, VCBF dự đoán thị trường chứng khoán đang có đầy đủ điều kiện cần thiết để trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn.

Chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư tham gia quỹ mở cần xem xét và tìm câu trả lời cho ba vấn đề gồm: Hiệu suất có ổn định qua thời gian không hay biến động nhiều hơn thị trường? Chiến lược đầu tư có phù hợp với nhu cầu của bản thân hay không (khả năng chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư)? Đội ngũ nhân sự của công ty quản lý quỹ như thế nào (kinh nghiệm, thời gian gắn bó với quỹ)?

Cùng chuyên mục

Đọc thêm