Kỹ năng sống

Nghị lực của cô bé ung thư được mẹ nhường cơ hội sống

Điều mà người mẹ 40 tuổi chưa từng nghĩ tới là sự kiên cường này lại được Yến Nhi thể hiện quá sớm. Tháng 11/2023, sau những trận sốt cao không dứt, bác sĩ chẩn đoán cô bé 13 tuổi bị bạch cầu cấp dòng lympho B (ung thư máu) nguy cơ cao di căn sang thận và xương. Cuộc chiến đấu giữa Yến Nhi và căn bệnh ác tính chính thức bắt đầu.

Thời điểm con phát bệnh, chị Tạ Thị Dịu ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đang lao động tại Hàn Quốc. Khi số tiền gốc xuất ngoại chưa kịp trả đủ, tai họa đã ập xuống gia đình vốn thuộc hộ cận nghèo này. Sau một tuần sốc nặng, không còn tinh thần tiếp tục làm việc, người mẹ vốn mắc ung thư tuyến giáp quyết định về Việt Nam chăm sóc con gái.

"Từ ngày chăm con, tôi không còn đến viện thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Một là dành phần tiền đó cho Yến Nhi chữa bệnh, hai là nhỡ bệnh nặng hơn lại thêm lo lắng", người mẹ ba con nói.

Chị Tạ Thị Dịu

Yến Nhi chỉ cho mẹ xem bức ảnh cô bé muốn vẽ lại, miêu tả cảnh đẹp quê hương mình, tháng 7/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở tuổi 13, Yến Nhi còn quá nhỏ để biết thế nào là bệnh bạch cầu, thế nào là ung thư máu, chưa nói đến các đợt hóa trị hay chọc tủy sống. Những thuật ngữ y học xa lạ từng khiến cô bé run rẩy nhưng rồi quyết tâm phá bỏ nỗi sợ về những điều chưa biết.

"Vì bố mẹ đã không từ bỏ nên cháu không thể buông xuôi", cô bé liên đội trưởng trường THCS Trần Cao, liên tục 6 năm là học sinh giỏi nói.

Khi nhập viện lần đầu, Yến Nhi cùng mẹ ở lại hai tháng liên tục. Những ngày này, lịch trình của hai mẹ con lặp đi lặp lại với các đợt hóa trị, truyền dịch hay chọc tủy sống. Mỗi lần như vậy, nữ sinh lớp 7 nói "đau đớn tưởng chết đi sống lại".

"Cháu không ăn được gì vì miệng lở loét, cũng chẳng thể ngủ yên bởi những vết tiêm chọc hành hạ". Yến Nhi kể, truyền dịch nhiều đến nỗi khiến hai tay sưng tấy, cũng không thể đứng dậy đi lại bình thường. "Cứ đi một đoạn là hoa mắt chóng mặt rồi tự ngã lăn ra sàn, thâm tím hết mình mẩy", cô bé kể. Thương con, người mẹ vét túi mua một chiếc xe đẩy, tránh thêm thương tích.

Ngoài nỗi đau thể xác, Yến Nhi còn phải chịu sự tra tấn tinh thần khi chiến đấu với bệnh tật. Phải nghỉ học, hàng ngày tiếp xúc với những người bệnh như mình, thời gian đầu cô bé bị trầm cảm. Sau nhiều ngày được bác sĩ hỗ trợ, tâm lý Nhi dần ổn định.

Dù chịu nhiều đau đớn, nhưng cứ có người hỏi "Sợ chết không?", Yến Nhi đều nói chắc nịch: "Chưa bao giờ".

Sự lạc quan này xuất phát từ những lời nói và việc làm của cha mẹ ngay khi Nhi còn nhỏ. Chị Dịu luôn khuyên con gái luôn mỉm cười đối mặt với những khó khăn. "Không ai biết giây tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì, tại sao không sống cho hiện tại và tận hưởng cuộc sống", người mẹ khuyên con mỗi lần thấy Nhi quay mặt vào tường âm thầm khóc.

Sau đợt hóa trị đầu tiên, bệnh tình của cô bé bước đầu tiến triển. Từ tháng 5/2024, Yến Nhi bắt đầu cuộc sống "hai điểm, một đường" giữa nhà và bệnh viện. Sau mỗi đợt hóa trị ở viện, hai mẹ con được về nhà vài ngày. Theo dự tính của bác sĩ, lịch trình này sẽ kéo dài ba năm.

"Mẹ đã trở thành y tá độc quyền của cháu", Yến Nhi nói về hành trình đồng hành cùng mẹ trong bệnh viện. Hơn nửa năm qua, chị Dịu hàng ngày chăm sóc và không ngừng động viên con gái. Tiếp xúc với tinh thần tích cực của người mẹ, Yến Nhi hầu như lúc nào cũng mỉm cười, dù vậy vẫn có khi vì quá đau đớn mà trở nên mất bình tĩnh.

Có lần sau khi vừa kết thúc đợt hóa trị, cả ngày cô bé không nuốt nổi một hạt cơm. Người mẹ lo con đói nên liên tục giục ăn. Lúc này, Yến Nhi, người vốn kiệt quệ về thể chất đã lớn tiếng: "Con không muốn ăn, hãy để con yên".

Yến Nhi nói rằng bản thân đã rất hối hận ngay khi dứt lời và không ngừng khóc vào đêm hôm đó. "Khi cháu nhập viện, mẹ là người vất vả nhất". Cô bé kể đôi khi thiếp đi vì mệt mỏi do truyền dịch suốt đêm nhưng mẹ lại không dám ngủ, chỉ nhìn chằm chằm vào chai truyền, sợ bỏ lỡ thời gian thay thuốc. "Việc hóa trị dù đau đớn nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với sự vất vả của mẹ. Mẹ còn không chữa nốt bệnh của mình mà dành tiền cho cháu được sống", cô bé 13 tuổi nói với lòng tràn đầy biết ơn.

Mỗi lần được về nhà, vì sức khỏe yếu nên Yến Nhi hầu như chỉ nằm một chỗ. Lúc tươi tỉnh hơn, cô bé thường viết vào nhật ký dòng chữ "Cố lên, phải sống thật tốt". Đó là lời chị Dịu thường động viên con mỗi khi bị cơn đau bệnh tật hành hạ. Nhiều lần có ý định buông xuôi, nhưng lời nói của mẹ lại tiếp thêm sức mạnh giúp Nhi vượt qua nghịch cảnh.

Mặc dù truyền cho con năng lượng tích cực nhưng người phụ nữ 40 tuổi thường khóc thầm mỗi khi đêm về. Chị lo cho tương lai của Yến Nhi, sợ việc điều trị dài ngày sẽ khiến kinh tế gia đình vốn khó khăn lại càng thêm kiệt quệ. Dưới Nhi, chị còn hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, còn khối u trong cổ vẫn chưa biết khi nào được khám lại. Và người mẹ sợ, khi sức khỏe con gái đầu ngày một xấu đi, không biết lấy thêm động lực từ đâu để tiếp tục cùng con chiến đấu.

Dù vậy hiện tại, mỗi khi khỏe hơn, Yến Nhi lại thích tâm sự với mẹ về ước mơ của mình. Đôi khi cô bé muốn trở thành bác sĩ để giúp đỡ những đứa trẻ bệnh tật, đôi khi lại muốn trở thành họa sĩ vẽ cảnh đẹp quê hương hay khắc họa chân dung những người mẹ ngày đêm chăm sóc con nhỏ trên giường bệnh-giống như mẹ mình.

"Ước mơ của Yến Nhi dù thay đổi thế nào, tựu chung lại con đều mong muốn mang lại sự ấm áp cho người khác. Tôi chỉ hy vọng con đủ khỏe mạnh để đi tiếp được đến những ngày tươi đẹp đó", người mẹ nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm