Kỹ năng sống

“Sinh viên cầm 5 triệu sống ở Hà Nội, tháng nào cũng phải cơm độn mì tôm”

Thời buổi vật giá leo thang, tiền thuê nhà, tiền học tiền ăn, tiền mua sách vở,... dồn lại sương sương cũng thành ra gần chục triệu một tháng. Người ngoài nhìn vào dễ nghĩ tụi trẻ thời nay sướng quá, được bố mẹ chu cấp đầy đủ nên tiêu tiền chẳng tiếc tay, nhưng sự thật liệu có phải như vậy?

Cố tiết kiệm lắm rồi vẫn tiêu hết 5-6 triệu/tháng, còn không thì chục triệu là chuyện bình thường!

Hải Ninh (sinh năm 2004), hiện đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết trung bình 1 tháng, bạn tiêu hết khoảng 4,5-5 triệu đồng cho các chi phí cơ bản. Ninh khẳng định rất khó để cắt giảm khoản này.

“Sinh viên cầm 5 triệu sống ở Hà Nội, tháng nào cũng phải cơm độn mì tôm”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Mình thuê phòng với 1 bạn nữa, cả tiền thuê với phí dịch vụ và tiền điện nước rơi vào khoảng 1,8 triệu đồng/tháng/người. Mùa hè nóng, dùng điều hòa nhiều thì có thể lên tới 2,2-2,3 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra chúng mình cũng cố gắng nấu ăn ở nhà, hạn chế ăn ngoài nhưng tiền ăn cũng hết 1,8-2 triệu/tháng, cộng thêm tiền xăng và tiền điện thoại khoảng 400k/tháng nữa. Tính ra cũng 4,4 triệu cho các chi phí cơ bản rồi” - Hải Ninh giải thích.

Nhẩm tính thêm cả tiền đăng ký tập gym và tiền thi thoảng đi ăn sinh nhật, ra quán cà phê làm bài tập nhóm cùng bạn, Hải Ninh áng chừng tổng chi 1 tháng của bản thân rơi vào khoảng 6 triệu đồng.

“6 triệu/tháng là mình cũng cố tiết kiệm lắm rồi chứ không phải vung tay quá trán gì. Đi tập gym mình cũng chỉ tập ở phòng rẻ tiền, cũng là chăm sóc sức khỏe nên mình không muốn cắt. Còn tiền đi sinh nhật bạn bè hay thi thoảng đi cà phê làm bài tập nhóm cũng là bắt buộc, vì mọi người đi mà mình ở nhà thì cũng kỳ, còn ảnh hưởng bài tập chung nữa. 6 triệu nghe tưởng nhiều chứ tính ra cũng toàn khoản phải chi, đến cuối tháng vẫn có ngày 2-3 bữa mì tôm” - Hải Ninh chia sẻ.

Thùy Minh (sinh năm 2005), hiện đang là sinh viên Đại học Ngoại thương cũng có chia sẻ tương tự Hải Ninh.

“Sinh viên cầm 5 triệu sống ở Hà Nội, tháng nào cũng phải cơm độn mì tôm”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Mình thuê trọ ở gần trường, thuê cùng 1 bạn nữa. Phòng 20m2 khép kín mà riêng tiền thuê thôi đã 4,2 triệu rồi. Tính thêm cả tiền điện nước, phí dịch vụ thì khoảng 2,7 triệu/người/tháng. Mình muốn ở gần trường để tiện đi bộ đi học, đỡ tốn tiền xăng.

Ngoài ra mình có mua vé xe bus liên tuyến, hết 200k/tháng để nếu cần đi đâu xa trường thì đi. Thêm cả tiền ăn và mua sách, tài liệu học tập, khoảng 2,6 triệu/tháng nữa là cũng hết 5,5 triệu đồng/tháng rồi, đấy là mình hạn chế tối đa ăn ngoài. Chứ nếu ăn ngoài nhiều thì 8-9 triệu/tháng là chuyện bình thường” - Thùy Minh kể.

Cô bạn cũng cho biết thêm rằng bản thân không thích ở ký túc xá và có muốn ở thì cũng không được, vì quy định của trường ĐH Ngoại Thương trong việc xét duyệt đơn đăng ký ở ký túc xá của sinh viên cũng khá khắt khe. Tiền thuê phòng của Thùy Minh khá cao nhưng vì diện tích phòng không đủ rộng để ở 3 người nên hiện tại, Thùy Minh không nghĩ tới việc tìm thêm bạn ở ghép để giảm tiền thuê trọ.

Hơn nữa, vì là con gái nên ngoài những chi phí cố định như tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền đi lại, Thùy Linh cũng phải sắm sửa quần áo, giày dép và đồ dưỡng da. Khoản tiền này tuy không phải mua đều đặn hàng tháng, nhưng tính ra trung bình cũng 800k - 1 triệu/tháng.

Tìm mọi cách để đi làm thêm chứ không thể chỉ dựa vào tiền bố mẹ cho hàng tháng

Nhu cầu chi tiêu thì không kể siết mà tiền bố mẹ gửi cho hàng tháng lại có hạn, cả Hải Ninh và Thùy Minh đều cố gắng đi làm thêm để “kiếm đồng ra đồng vào”, bên cạnh khoản tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng.

“Bố mẹ chỉ cho mình 4 triệu/tháng để trả tiền thuê nhà và tiền ăn thôi. Mình có đi dạy gia sư và thi thoảng cũng cộng tác viết bài cho các báo điện tử nên cũng có thêm chút tiền để trang trải cuộc sống, chứ nếu không thì cũng không biết xoay sở kiểu gì. Hè này mình cũng tranh thủ ở lại Hà Nội đi làm thêm chứ không về quê” - Hải Ninh chia sẻ và cho biết trung bình 1 tháng, cậu bạn kiếm được 4-5 triệu đồng từ các công việc làm thêm.

Cộng cả tiền bố mẹ cho lẫn tiền đi làm thêm, Hải Ninh cho biết có tháng thì đủ tiêu, có tháng cũng dư một ít để tiết kiệm.

“Mình đang cố tiết kiệm tiền để đổi laptop với cũng có dự định đăng ký vài khóa học, nhưng có tháng tiết kiệm được, có tháng không vì cũng nhiều việc phát sinh lắm” - Hải Ninh kể.

Thùy Minh cũng trong tình trạng tương tự.

“Sinh viên cầm 5 triệu sống ở Hà Nội, tháng nào cũng phải cơm độn mì tôm”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cô bạn kể: “Mỗi tháng mình được bố mẹ cho 6 triệu, cũng vừa đủ để trả tiền thuê nhà và phí dịch vụ cùng 1 phần tiền ăn uống, sinh hoạt. Mình cũng đi dạy gia sư và đi làm trợ giảng cho trung tâm tiếng Anh, mỗi tháng cũng kiếm được 4-5 triệu. Cả tiền bố mẹ cho và tiền mình đi làm thêm rơi vào khoảng 10-11 triệu/tháng mà gần như tháng nào mình cũng tiêu hết, cố lắm mới tiết kiệm được 1-2 triệu.

Vì đi làm trợ giảng nên mình cũng phải mua quần áo, không nhiều nhưng cũng phải có 2-3 bộ chỉn chu chứ không thể mặc quần đùi áo phông đi làm được. Chưa kể mình còn đang đi chữa mụn nữa, tháng nào nhẹ nhàng thì 1-2 triệu, có tháng 3-4 triệu luôn. Tiền này là mình tự lo chứ cũng không dám xin bố mẹ”.

Cuối cùng, cả Hải Ninh và Thùy Minh đều đồng tình: “Sinh viên thời nay nếu không đi làm thêm thì chỉ có thể là gia đình có điều kiện, tiền bố mẹ chu cấp đủ tiêu hoặc thậm chí là dư. Chứ những bạn có hoàn cảnh bình thường hoặc hơi khó khăn một chút, không đi làm thêm chắc chắn không thể sống được ở Hà Nội”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm