Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường có thể tiếp tục tăng giá hướng về vùng đỉnh cũ , nhà đầu tư tranh thủ cơ hội trong mùa KQKD quý 2

5 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, thị trường tăng điểm tốt với tổng mức tăng gần 38 điểm lên mốc 1.283. Trong khi đó, thanh khoản bình quân 3 sàn đạt gần 16.700 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với tuần trước cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư.

Nhận định về thị trường tuần tới, chuyên gia cho rằng bối cảnh hiện tại thị trường thiên về hướng tích cực nhiều hơn mặc dù vẫn xảy ra rung lắc và nhà đầu tư có thể tự tin lựa chọn các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi và có tăng trưởng KQKD tốt.

VNINDEX_2024-07-07_14-58-39.png

Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các yếu tố thị trường thế giới đang chuyển qua trạng thái tương đối ủng hộ thị trường trong nước. Các thị trường chứng khoán lớn duy trì đà tăng hoặc tạo đáy ngắn hạn, chỉ số S&P500 và Nasdaq tiếp tục lập những đỉnh mới. Trong khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đặc biệt là chỉ số DXY giảm mạnh sau những phát biểu thể hiện sự đánh giá cao của chủ tịch FED với cuộc chiến chống lạm phát tuần qua.

Về bối cảnh trong nước, các số liệu vĩ mô được công bố cũng cho thấy đà phục hồi kinh tế tích cực, gần nhất là số liệu tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch trong 6 tháng đầu năm. Sản xuất, bán lẻ tiêu dùng, xuất – nhập khẩu, tín dụng… đều cho thấy những dấu hiệu khởi sắc.

Theo ông Huy, bối cảnh hiện tại thị trường thiên về hướng tích cực nhiều hơn tiêu cực khi những tin xấu nhất đã qua. Xét từ đáy ngắn hạn tháng 6, thị trường đã hồi phục hơn 40 điểm nhưng mức tăng của các cổ phiếu là khá mỏng, do đó áp lực cung sẽ không lớn. Ông Huy nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục tăng giá, hướng về vùng đỉnh cũ trong tháng 6, mặc dù có rung lắc. Kịch bản tiêu cực khi đà phục hồi sẽ gặp khó khăn hơn nếu thủng ngưỡng 1.270 điểm được đánh giá thấp hơn.

Việc thanh khoản thị trường thấp ở đầu những giai đoạn tăng giá, sau một cú điều chỉnh tương đối là bình thường, chuyên gia DSC cho rằng không thể đòi hỏi bên mua tự tin, hưng phấn và bên bán cũng dần hết hàng, chùn tay. Thực tế cũng cho thấy ở những sóng tăng gần đây, thanh khoản đầu sóng là thấp, chỉ cần thấy rõ dần sự cải thiện.

Hiện tại, khối ngoại chỉ còn chiếm dưới 20% giá trị giao dịch nên mức độ ảnh hưởng không còn lớn như giai đoạn trước. Ông Huy không chắc chắn khi nào khối ngoại sẽ mua ròng trở lại nhưng khả năng cao sẽ hạ nhiệt dần, chậm lại trong thời gian còn lại của tháng 7 và quý 3/2024.

image001.png

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên TTCK

Với bức tranh vĩ mô đã được công bố, ông Huy cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu KQKD của doanh nghiệp trong quý 2 năm nay sẽ hồi phục và tăng trưởng rộng. Do đó đa số các ngành sẽ được hưởng lợi và có tăng trưởng KQKD tốt.

Chuyên gia tự tin vào đà phục hồi của nền kinh tế và các ngành hồi phục mạnh sẽ tương ứng với các lĩnh vực lớn sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng, xuất-nhập khẩu, tín dụng… Ở đây sẽ có các nhóm ngành nhỏ hơn và đi vào chi tiết sẽ có sự phục hồi phân hóa khác nhau để nhà đầu tư lựa chọn.

"Với quan điểm khách quan, tôi nghĩ mỗi chúng ta nên nhìn trực diện vào bối cảnh. Nhìn vào bối cảnh sẽ không bị những yếu tố sợ hãi không căn cứ chi phối cũng như không bị quá hưng phấn khi lạc quan. Bối cảnh hiện tại đang tương đối ủng hộ, còn rủi ro thì lúc nào cũng có nhưng không quá lớn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia trong ngắn hạn để tranh thủ cơ hội thị trường và mùa KQKD quý 2. Xa hơn là đặt kỳ vọng vào kỳ nâng hạng của Việt Nam vào FTSE tháng 9/2024", ông Huy khuyến nghị.

image002.png

(“+” là những nhóm ngành dự kiến có thể duy trì được sự tăng trưởng KQKD trong quý II-2024)

Tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng, thị trường tiếp tục giằng co

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco đánh giá biên độ tăng điểm có phần thu hẹp dần cùng với thanh khoản cải thiện cho thấy áp lực bán đã dần trở lại trong quá trình chỉ số đi lên và tiến gần lên vùng kháng cự. Trong bối cảnh lực cầu chủ động chưa có sự gia tăng đáng kể, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giằng co biên độ hẹp tại vùng 1.280(+-5) điểm trong các phiên đầu tuần tới.

Theo ông Khoa, thị trường đang tiến gần tới vùng kháng cự cứng mà chỉ số chưa thể vượt qua một cách dứt khoát từ đầu năm. Bổ sung một vài yếu tố thống kê quá khứ, thị trường thường có 2 nhịp tăng và đẩy chỉ số lên mức cao trong một năm dương lịch. Nửa đầu năm 2024 đã có 2 nhịp tăng, vì vậy tâm lý nhà đầu tư cũng có thể đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố trên.

Trong bối cảnh thị trường tăng nhưng không có sự đồng pha giữa các cổ phiếu trong một nhóm ngành nào đáng chú ý cho thấy quá trình phân hóa vẫn đang diễn ra. Vì vậy, chiến lược trong ngắn hạn là ưu tiên tái cơ cấu danh mục, hạ bớt tỷ trọng các cổ phiếu mang tính đầu cơ khi chỉ số đã hồi phục về vùng kháng cự; xây dựng dần danh mục cho quý 3 với từng cổ phiếu riêng lẻ có triển vọng tăng trưởng cụ thể, cơ sở tin cậy cao. Một số nhóm ngành được kỳ vọng có KQKD tăng trưởng tốt là bán lẻ, thép, xuất khẩu và công nghệ thông tin.

Về dòng vốn ngoại trên thị trường, 6 tháng đầu năm 2024 khối ngoại bán ròng gần 52.700 tỷ đồng, xấp xỉ 87% giá trị rút ròng kỷ lục được xác lập vào giai đoạn 2021. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên quy mô toàn thị trường cũng giảm xuống mức dưới 16,5%, giảm gần 2 điểm phần trăm so với hồi đầu năm. Đà rút ròng có sự thu hẹp biên độ trong các phiên đầu tháng 7 khi quỹ Ishare ETF hoàn tất quá trình bán cổ phiếu và giải thể, nhưng chưa có cơ sở nào để khẳng định về khả năng xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm đảo chiều sẽ diễn ra trong ngắn hạn trung tuần, tháng tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước đang tăng dần lên, chuyên gia Agriseco kỳ vọng đà rút ròng của khối ngoại sẽ yếu dần trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc FED sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ cuối quý 3 – đầu quý 4 và nâng hạng thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ giúp dòng tiền khối ngoại quay trở lại thị trường trong trung và dài hạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm