Những vận động viên xuất chúng nhất thế giới, vào mùa hè này, sẽ được nhận huy chương vàng Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris trên những bục…rác. Nói đúng hơn, chúng là hộp đựng thực phẩm tái chế, được sản xuất tại một nhà máy nhỏ ở ngoại ô Paris bởi startup Le Pavé. Đây là lần đầu tiên thế giới có một Thế vận hội Olympic sử dụng các vật phẩm làm từ 100% nhựa tái chế.
Maurius Hamelot, 29 tuổi, người đồng sáng lập Le Pavé, cho biết: “Có quá nhiều nhựa gây hại cho môi trường. Nếu có thể tái sử dụng, chúng sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế”. Theo The New York Times, Le Pavé sản xuất 11.000 ghế phục vụ khán giả của 2 đấu trường thể thao. Tất cả đều được tái chế từ chai dầu gội đã qua sử dụng cùng hàng triệu nắp chai nhiều màu.
Vài năm trước, Le Pavé chỉ có 3 nhân viên. Sau lời kêu gọi bất ngờ từ ban tổ chức Olympic, công ty này đã có cơ hội ký hợp đồng mới, mở rộng quy mô lên 34 nhân viên, đồng thời cho đi vào hoạt động 2 nhà máy mới. Đây đã trở thành hình mẫu cho Ủy ban Olympic Paris - nơi cam kết biến Thế vận hội Olympic năm nay trở thành Thế vận hội xanh nhất lịch sử.
Le Pavé minh chứng cho văn hóa khởi nghiệp ngày càng năng động tại Pháp, được gieo mầm bởi những chính sách đầy tham vọng từ Tổng thống Emmanuel Macron nhằm chuyển đổi nền kinh tế với các ngành công nghiệp mới tập trung vào công nghệ sạch và chuyển đổi xanh.
Jim Pasquet, 31 tuổi, co-founder của Le Pavé, cho biết: “Chúng tôi là một loại hình khởi nghiệp công nghiệp mới, tập trung vào nhu cầu môi trường và mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty dẫn đầu Châu Âu”.
Co-founder Hamelot đã và đang nỗ lực chuyển đổi rác thải nhựa thu gom ở các khu dân cư ở Paris thành các thành phần chất lượng cao. Khi còn là sinh viên kiến trúc tại Đại học Versailles, anh chàng đã đặt mục tiêu dấn thân vào ngành xây dựng - một trong những nguồn phát thải carbon lớn nhất. “Thứ phổ biến trong xây dựng là rác thải và rác thải ở khắp mọi nơi trên thế giới. Làm thế nào để bạn tái tạo các vật liệu phục vụ xây dựng mà không gây hại môi trường?”
Chia sẻ với The New York Times, Hamelot cho biết anh đã mua một chiếc lò nướng bánh pizza đã qua sử dụng và bắt đầu thử nghiệm nấu chảy nhựa thải từ các mảnh vụn điện tử, bao gồm máy pha cà phê cũ và điện thoại cầm tay. Năm 2018, anh và Pasquet, những người bạn từ thời thơ ấu, đã thành lập Le Pavé và giành chiến thắng trong một loạt cuộc thi đổi mới. Vị thế cho họ cơ hội vào La Ruche - một ‘vườn ươm’ ở Paris chuyên tập trung vào doanh nghiệp xã hội, công nghệ kỹ thuật số, thủ công và văn hóa.
Đến năm 2019, Le Pavé được cấp bằng sáng chế cho công nghệ đúc nén nhiệt. Ngay sau đó, Hamelot nhận được cuộc gọi từ Solideo, công ty Pháp chuyên giám sát cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội 2024. Phía nhà tổ chức, mong muốn cắt giảm một nửa lượng khí thải so với các Thế vận hội trước, đã hỏi liệu Le Pavé có thể sản xuất 11.000 chiếc ghế cho Trung tâm Thể thao dưới nước Olympic đang được xây dựng hay không. Pasquet nói: “Đó là một cơ hội tuyệt vời”.
Hamelot và Pasquet sau đó đã làm việc với 50 công ty tái chế địa phương để thu gom nhựa đã qua sử dụng, thử nghiệm hàng chục nguyên mẫu và kiểm tra độ bền trước khi ký thỏa thuận cuối cùng với Solideo vào năm 2022.
Với triết lý khẳng định làm việc tại địa phương có thể tạo ra tác động lớn cho xã hội, công ty quyết định thuê nhân viên từ Seine-Saint-Denis, bao gồm cả những người thất nghiệp dài hạn, tị nạn… Khoảng 1.700 học sinh đã được kêu gọi thu thập 1 triệu nắp chai màu vàng để trang trí ghế sân vận động.
Như đã nói, Le Pavé sử dụng 100 tấn chai và nắp chai tái chế để làm tấm cho 11.000 ghế ngồi. Để tạo ra các tấm nhựa dùng cho 68 bục vinh danh Olympic màu bạc, Le Pavé đã sử dụng 18 tấn nhựa tái chế và hộp đựng thức ăn bằng xốp nhựa.
Bản thân quá trình tái chế sẽ để lại lượng khí thải carbon, song theo Pasquet, chúng vẫn thải ra ít carbon dioxide hơn nhiều so với việc sử dụng nhựa nguyên chất.
“Chúng tôi đang tạo ra thứ gì đó đẹp đẽ từ rác thải cũ”, anh nói.
Được biết, Le Pavé đang mở một nhà máy nhỏ thứ hai ở vùng Burgundy phía đông nước Pháp, đồng thời huy động vốn để mở thêm 2 nhà máy nữa ở phía tây và phía nam. Khi chính phủ tìm cách tái công nghiệp hóa nước Pháp, mục tiêu của Le Pavé là tạo ra việc làm bằng cách mở các nhà máy nhỏ. Vị co-founder cho rằng mô hình cũ của các nhà máy lớn sẽ không còn đáp ứng được những thách thức về môi trường và xã hội ngày nay.
“Chúng tôi muốn đây sẽ trở thành màu sắc mới của ngành, thoát khỏi hình ảnh cũ”, anh nói.
Mới đây, Điện Elyseé, nơi ở chính thức của tổng thống, đã lắp đặt bức tường trang trí do chính Le Pavé thực hiện. Công ty cũng đang sản xuất ván sàn cho các nhà bán lẻ đồ nội thất lớn của Pháp, đồng thời đẩy mạnh triển khai các dự án sản xuất sàn kiểu gỗ cho các tòa nhà.
“Chúng tôi thấy mình có cơ hội xây dựng một thứ gì đó sẽ tồn tại trong nhiều năm. Một điều gì đó rất lớn lao”, Hamelot nói.
Theo: The New York Times