Kỹ năng sống

Chăm sóc cha mẹ già đúng cách như thế nào

Chăm sóc có thể là một thách thức to lớn, thường mất nhiều giờ như một công việc toàn thời gian. Con cái đều yêu cha mẹ nhưng cảm giác thất vọng, tức giận, bất lực có thể xâm chiếm tinh thần đứa con trưởng thành, đặc biệt là khi chức năng thể chất hoặc tinh thần của cha mẹ già trở nên yếu đi.

Trong khi đó, ngoài vấn đề thể chất, cha mẹ già, đặc biệt là những người đã mất bạn đời hoặc đã ly hôn có thể gặp các trở ngại về tâm lý, khiến họ càng trở nên khó tính. Sự đồng cảm và tôn trọng, sự hỗ trợ về thể chất, tinh thần là những gì người cao tuổi tìm kiếm.

Theo Tamara Goldsby - nhà tâm lý học nghiên cứu lâm sàng, Đại học California, San Diego, Mỹ, để chăm sóc cha mẹ già đúng cách, nên lưu tâm bốn điều quan trọng.

Tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng xung quanh cha mẹ

Con cái trưởng thành có thể có cuộc sống bận rộn của riêng mình và không sống với cha mẹ. Do đó, việc nhờ đến sự hỗ trợ của người thân và bạn bè của cha mẹ lớn tuổi nơi khu vực họ sống là một bước quan trọng để giữ gìn sự an tâm và giảm bớt căng thẳng trong tình huống khó khăn.

Cần lưu ý, một mình người con không thể tự mình gánh vác toàn bộ trách nhiệm chăm sóc cha mẹ mà không bị quá tải, căng thẳng. Do đó, họ cần có người khác hỗ trợ. Con cái có thể tìm kiếm sự giúp sức từ hội người cao tuổi, các chương trình hỗ trợ người cao tuổi.

Trong trường hợp cha mẹ già bị suy giảm nghiêm trọng về thể chất hoặc nhận thức, người con nên tìm tới các trung tâm hỗ trợ sinh hoạt dù cha mẹ có thể muốn hay không.

Nhà tâm lý học Tamara Goldsby cho rằng cần thiết lập một ranh giới lành mạnh, tìm kiếm sự hỗ trợ, thay vì tập trung toàn bộ năng lượng của mình vào người cao tuổi và rồi stress. Đó là một sự cân bằng tinh tế giữa việc giúp đỡ cha mẹ, thiết lập ranh giới lành mạnh và ở một mức độ nào đó, là học cách phó thác.

Giữ giao tiếp

Dù bận rộn đến mấy, nên dành thời gian trò chuyện với cha mẹ để hiểu được mong muốn, nhu cầu của họ. Hãy tận dụng thời gian ngắn ngủi, khi bạn vẫn còn có thể để thảo luận về kế hoạch nghỉ ngơi hưu trí, y tế, dưỡng lão của họ.

Thay vì ngồi im lặng hoặc mải mê dùng điện thoại, khi đến thăm họ, hãy khơi ra một số cuộc trò chuyện và lắng nghe cha mẹ nói. Bạn có thể nói về tuổi thơ, những kỷ niệm đáng nhớ, bạn bè của cha mẹ. Trong khi bạn đang làm điều đó, hãy chia sẻ một số kỷ niệm của gia đình, cha mẹ sẽ rất vui khi nghe những điều bạn hồi tưởng lại.

Dù bạn có chính kiến ra sao, đừng ngắt dòng suy nghĩ của cha mẹ khi họ nói. Cần học cách lắng nghe kỹ những từ được nói ra cũng như những gì ẩn chứa bên trong chia sẻ của họ. Sau đó, vào thời điểm thích hợp trong cuộc trò chuyện hoặc khi cuộc nói chuyện kết thúc, bạn mới nên diễn đạt tâm tư của mình.

Nhẫn nại và luôn giữ lời hứa với cha mẹ

Sự kiên nhẫn không phải là điều tự nhiên mà hầu hết chúng ta có, đặc biệt khi cha mẹ già mắt mờ, chân chậm, tư duy kém. Cũng giống đấng sinh thành từng nhẫn nại với các con khi còn thơ dại, khi trưởng thành, con cái cần thể hiện tính nhẫn nại khi chăm sóc cha mẹ.

Cần ưu tiên dành thời gian cho họ và cố gắng để đảm bảo lịch trình ở bên họ như cam kết. Nếu bạn sống xa họ, nên thường xuyên đến thăm và nỗ lực đưa cha mẹ vào các hoạt động hàng ngày của gia đình.

Hãy tôn trọng lời hứa với cha mẹ, đừng thất hứa và khiến cho họ cảm thấy thất vọng.

Chăm sóc bản thân

Tự chăm sóc không phải là ích kỷ, điều đó rất quan trọng và không thể thiếu đối với khả năng chăm sóc người thân yêu già yếu.

Đảm nhận vai trò chăm sóc không có nghĩa là nhu cầu cơ bản của bạn bị bỏ qua. Thay vào đó, nó có thể khuếch đại nhu cầu nghỉ ngơi và tự chăm sóc của bạn. Do đó, nên dành thời gian hàng ngày cho các hoạt động tự chăm sóc như tập thể dục, ăn uống điều độ, dành thời gian cho những sở thích lành mạnh.

(Theo Psychology Today)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm