Khi còn trẻ, bạn nên "sống hết mình" hay "tiết kiệm" là lựa chọn khó khăn của nhiều người. Mặc dù muốn tiết kiệm tiền song nhiều người cho rằng thật khó khăn vì lương hàng tháng chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt, đồng thời kiểm soát chi tiêu đòi hỏi tính kỷ luật rất cao của mỗi người
Không thể tiết kiệm vì lương tháng quá thấp
Nam Duy (25 tuổi, Hà Nội) cho biết anh chàng là kiểu người "kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu". Với anh chàng, việc để dành được bao nhiêu phần trăm thu nhập cho tiết kiệm không chỉ phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của mỗi cá nhân, mà còn ảnh hưởng lớn bởi thu nhập. Lương cao thì dễ dàng tiết kiệm, còn nếu lương 10-15 triệu đồng/tháng mà muốn có tiền dư khi sinh sống ở thành phố lớn thì chất lượng sống có thể bị hạ xuống thấp.
Nam Duy cho hay: "Lương của mình khoảng 12-15 triệu đồng/tháng. Hầu như tháng nào mình cũng tiêu hết sạch tiền. Tháng nào chắt bóp, ít chi phí phát sinh thì mình còn để dư được 2-3 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng, 'đi làm mà không để được tiền tiết kiệm' thể hiện mình chi tiêu hoang phí. Còn về trường hợp bản thân, mình tự đánh giá đây là cách chi tiêu phù hợp với mình, Nếu còn hạ xuống thấp hơn thì còn gì là chất lượng sống, còn gì là theo đuổi niềm vui của tuổi trẻ?".
Ảnh minh hoạ
Nam Duy cho hay, với mức lương hàng tháng, anh dành khoảng 10 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt, còn lại là tiền phục vụ công việc. Anh chàng chia sẻ: "Do lương thấp nên mình không quan trọng việc phải sống tiết kiệm. Thay vào đó, mình muốn dùng tiền để đầu tư vào bản thân trước hết. Ngoài chi phí sinh hoạt thì khoản chi cho công việc là mình tuyệt đối không cắt giảm. Vì đầu tư vào bản thân thì ne mai lương mới cao, từ đó mới có dư tiền tiết kiệm hàng tháng".
Đồng quan điểm với Nam Duy, Anh Thư (26 tuổi, Hà Nội) cho biết tiết kiệm tiền là câu chuyện của người lương cao. Còn với mức lương 13 - 14 triệu đồng/tháng như cô nàng, thì làm sao để chắt bóp chi tiêu, không mang nợ đã là khó khăn.
Anh Thư chia sẻ: "Hiện mình còn độc thân, chưa có con cái nên cuộc sống khá thoải mái, không cần quá chắt bóp. Hơn nữa, lương tháng thấp khiến mình không thể cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu: Tiết kiệm và sống hết mình cho tuổi trẻ. Hiện tại tiền của mình đang dùng để lo chi phí sinh hoạt, trang trải cho bản thân, đầu tư hoặc mua bảo hiểm. Chỉ khi mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, tiết kiệm mới trở thành mục tiêu mình hướng tới".
Ảnh minh hoạ
Chờ lương cao mới tiết kiệm thì về già cũng khó giàu nổi
Trái ngược với những ý kiến trên, nhiều bạn trẻ lại cho rằng tiết kiệm nên bắt đầu từ càng sớm càng tốt, bất kể thu nhập của bạn cao hay thấp. Quốc Khánh (SN 1999, Hà Nội) đã bắt đầu tiết kiệm từ khi mới đi làm.
Anh chàng nhớ lại, thời gian đầu đi làm văn phòng 8 tiếng/ngày, Quốc Khánh thường xuyên phải uống cafe để duy trì hiệu suất làm việc. Tiền uống cafe đôi lúc còn nhiều hơn phụ cấp làm việc.
Để kiểm soát chi tiêu cũng như học cách sống tối giản, Quốc Khánh đã quyết định chọn uống 1 ly nước chanh tươi vào buổi sáng để tỉnh táo hơn, làm việc có giờ giấc, chăm tập thể dục, học cách ăn uống lành mạnh. Việc này giúp Quốc Khánh tối giản chi tiêu hàng hàng. Có những ngày, Quốc Khánh theo dõi sát sao chi tiêu cũng chỉ hết 70 nghìn, không tính tiền nhà hay chi phí cố định.
''Rau củ do bố mẹ gửi lên, vì mình muốn ăn rau sạch, không có chất kích thích, cũng tiết kiệm được một khoản khá. Còn những chi phí như tiền nhà, tiền điện, Internet, tiền phòng tập, các chi phí phát sinh nằm ở phần chi tiêu cố định. Tháng nào cũng sẽ tốn khoảng 1/3 tiền lương" , Quốc Khánh chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Đồng quan điểm với Quốc Khánh là Hoa Phạm (36 tuổi, kinh doanh tự do). Đối với nhiều người việc tiết kiệm hơn nửa lương sẽ phụ thuộc vào số tiền nhận được hàng tháng. Tức là chỉ khi thu nhập 20-30 triệu mới có khả năng tiết kiệm được nhiều như vậy. Tuy nhiên, Hoa Phạm không cho là vậy. Với cô, việc dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho tiết kiệm phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của mỗi cá nhân, không phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập. Lương 5-10 triệu vẫn có thể tiết kiệm được 1/2 nếu biết cách lên kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực hiện đúng các "cam kết" với chính mình.
Đối với Hoa Phạm, để tiết kiệm 50% lương sẽ có 2 mục chính mà mọi người cần tập trung để cải thiện, đó là tối ưu những khoản chi bắt buộc và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Có thể bắt đầu bằng những cách rất đơn giản như thuê chung nhà với người khác để giảm được tiền thuê nhà. Tự mua đồ về nấu cũng sẽ giúp bạn giảm đi rất nhiều chi phí trong ăn uống.
"Mình sử dụng xe máy để đi làm cho phù hợp với tính chất công việc. Cho đến giờ, mình vẫn chưa mua xe ô tô vì cảm thấy chưa thực sự cần thiết. Khi cần di chuyển, mình đặt xe công nghệ. Thời gian đi trên xe, mình có thể làm việc hoặc nghỉ ngơi ", Hoa Phạm chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
"Năm thứ 3 sau khi ra trường, bên cạnh việc làm tại cơ quan, mình có nhận thêm việc ở bên ngoài để làm vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Dần dần, nguồn thu nhập thứ 2 này đã giúp mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Từ thu nhập 4-5 triệu, mình nâng dần lên 7- 8 triệu rồi 10 triệu - 15 triệu. Dù ở mức thu nhập nào, mình cũng luôn giữ đúng 'cam kết' dành 1/2 cho việc tiết kiệm dài hạn".
Có thể thấy, tiết kiệm tiền hay không là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi một số thói quen hàng ngày như Quốc Khánh, Hoa Phạm là bạn có thể cắt giảm đi số tiền chi tiêu và tiết kiệm được rất nhiều. Bên cạnh đó, song song với tiết kiệm là bạn nên tìm cách gia tăng thu nhập, nhờ đó có thể để được một khoản không chỉ lo cho tương lai mà còn phòng ngừa rủi ro.