Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hồi tháng 4 cảnh báo khoảng 60% trong tổng số chip thế hệ cũ (legacy chip) được tung ra thị trường trong vài năm tới sẽ do Trung Quốc sản xuất.
Mỹ và các đồng minh đang tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận những mẫu chip hiện tại được ứng dụng trong các lĩnh vực mới nổi như AI. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn sản lượng của ngành công nghiệp bán dẫn vẫn là những dòng chip thế hệ cũ, đã được hoàn thiện và không quá phức tạp, dùng trong mọi mặt cuộc sống như thiết bị gia dụng, ôtô và nhiều sản phẩm khác.
Trung Quốc được dự đoán thống trị thị trường này những năm tới. Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy sản lượng bán dẫn của nước này tăng 40% trong quý I/2024. Trong khi đó, hãng nghiên cứu TrendForce dự báo các doanh nghiệp nước này có khả năng trở thành một thế lực trong mảng sản xuất chip thế hệ cũ, với 33% thị phần vào năm 2027.
Giới chức phương Tây những tuần qua liên tục đề cập về năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc, lo ngại những khoản trợ cấp của nước này sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.
Mục tiêu của Bắc Kinh vẫn là tự sản xuất chip hiện đại, phục vụ các ngành công nghiệp AI và 5G. Những hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn các nhà sản xuất chip Trung Quốc sở hữu công cụ, máy móc cần thiết, thúc đẩy họ quay lại với những bộ xử lý cũ hơn mà họ đủ khả năng tự chế tạo.
"Họ phải bắt đầu từ đâu đó. Khởi đầu là những quy trình sản xuất đã hoàn thiện, sau đó từ từ mở rộng quy mô thị trường", Chim Lee, nhà phân tích cấp cao tại công ty phân tích thị trường Economist Intelligence Unit, cho hay.
Mỹ quy định chip thế hệ cũ là những dòng chip được chế tạo trên quy trình "lớn hơn 16-14 nm", tương ứng với các sản phẩm được phát triển từ trước năm 2014. Trong khi đó, TSMC đang dự kiến sản xuất chip trên quy trình 2 nm cho Apple và Nvidia từ năm sau.
Linghao Bao, nhà phân tích tại công ty tư vấn Trivium China, cho rằng năng lực làm chip thế hệ cũ ngày càng tăng ở Trung Quốc là kết quả từ "nỗ lực hỗ trợ các lĩnh vực chiến lược và bảo đảm chuỗi cung ứng công nghiệp nội địa" của Bắc Kinh. Nước này đã đầu tư mạnh vào ngành năng lượng sạch và xe điện để giành vị thế dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm này đòi hỏi trang bị chip bán dẫn, nhưng không nhất thiết là những mẫu tối tân như trong các hệ thống AI và điện tử cao cấp.
Lệnh hạn chế của Mỹ cản trở các doanh nghiệp như ASML bán công cụ chế tạo chip hiện đại cho Trung Quốc, nhưng không ngăn được các hợp đồng mua thiết bị đời cũ. Nhiều công ty Trung Quốc năm ngoái đã đẩy mạnh thu mua máy chế tạo chip do lo ngại Mỹ có thể điều chỉnh quy định xuất khẩu thời gian tới.
Các công ty bên ngoài Trung Quốc có thể sẽ phải chật vật cạnh tranh trên thị trường chip đời cũ. "Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đi sau những hãng chế tạo chip hàng đầu thế giới về mặt công nghệ, nhưng thừa sức cạnh tranh về giá cả", Lee nêu quan điểm.
Dù lo ngại, Mỹ được đánh giá khó áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào chip thế hệ cũ, bởi đây là bước đi quá xa đối với các đồng minh của Washington khi họ vẫn đang duy trì hợp tác với Bắc Kinh.
Dữ liệu thống kê cho thấy ASML vẫn chuyển giao trung bình một máy sản xuất chip mỗi ngày đến Trung Quốc năm 2023. Doanh thu của công ty tại đây cũng tăng mạnh vào năm ngoái, chiếm khoảng 25%. Nhật Bản, đồng minh của Mỹ, cũng duy trì xuất khẩu thiết bị cho Trung Quốc. Tokyo Electron và Canon, hai doanh nghiệp chuyên chế tạo thiết bị tạo chip đời cũ, dự báo Trung Quốc có thể đóng góp 40% doanh thu của họ năm nay.
(Theo Fortune)