Khi mới nhập học, nhiều sinh viên năm nhất thường dễ chi tiêu quá tay trong thời gian đầu được tự mình kiểm soát tài chính. Nhiều bạn trẻ đã gặp kha khá rắc rối khi không quản lý được chuyện tiền nong của mình, dẫn đến vung tiền vào các khoản chi lãng phí, từ đó đem đến nhiều hối hận sau này.
Chi gần 1 triệu đồng/tháng đi cafe học bài
Thu Thuỷ (21 tuổi) nhớ lại khi còn là sinh viên năm nhất, cô nàng thường hay đi cafe một mình hoặc cùng nhóm bạn để học bài. Vào mùa thi, tần suất ra quán cafe của Thu Thuỷ càng nhiều hơn, dẫn đến trung bình cô nàng tốn gần 1 triệu đồng/tháng cho khoản chi này.
"Mình thích đi cafe vừa để học bài, cũng là có không gian thư giãn cho bản thân. Khi nhìn mọi người xung quanh hăng say làm việc thì mình cảm thấy tập trung hơn. Kết quả học bài khá hiệu quả, nhưng đánh đổi là 'đau ví' khá nhiều.
Một số người hỏi mình: 'Là sinh viên mà sao hay đi cafe sang chảnh thế?'. Thực ra hồi đó cha mẹ mình cho khá nhiều tiền tiêu vặt hàng tháng. Mình cũng tiết kiệm một số chi phí khác để đi cafe nhiều hơn như mua quần áo, tiền đóng học bồi dưỡng,... Thêm vào đó, mình còn có một chút tiền thưởng từ học bổng nhà trường nên chi tiêu cho sở thích cũng khá thoải mái", Thu Thuỷ chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Hết sạch tiền vì đi ăn ngoài
Tường Vy (23 tuổi) chia sẻ trong khoảng thời gian đầu lên TP.HCM học tập, cô nàng tân sinh viên thường xuyên rơi vào tình cảnh chi hết sạch tiền. Tường Vy nhớ lại, có thời điểm chỉ mới giữa tháng mà cô nàng chỉ còn vài trăm ngàn đồng để trang trải, từ đó khiến những ngày còn lại trong tháng khó khăn vô cùng. Tường Vy cũng rơi vào hoang mang để tìm cách xoay xở tài chính.
Khi còn ở quê gia đình chăm sóc rất kỹ đến từng bữa ăn nên Tường Vy không phải tự chuẩn bị từng bữa bao giờ. Đến khi sống tự lập, học đại học 1 mình, cô nàng khá lười nấu ăn nên thường xuyên ăn ngoài, đây cũng là khoản tiền chiếm phần lớn ngân sách của Tường Vy.
"Tâm lí của 1 sinh viên mới chưa biết lo nghĩ nhiều, chỉ biết hôm nay phải ăn cho ngon, cho no nên mình chủ yếu đặt đồ ăn trên các ứng dụng, ăn ở các hàng quán và đi ăn với bạn bè ở những quán nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Hầu như ngày nào mình cũng ăn ở ngoài, 1 tuần nhiều lắm là mình chỉ tự nấu ăn ở nhà được 1, 2 buổi", Tường Vy cho hay .
Mua quần áo và mỹ phẩm nhiều đến "cháy ví"
Quỳnh Như (19 tuổi) chia sẻ, khi vừa nhận kết quả trúng tuyển đại học ở Hà Nội, cô nàng đã tưởng tượng ra cuộc sống tự do khi rời xa vòng tay cha mẹ. Khi đó, cô nàng có thể tự làm chủ cuộc sống, không bị ai kiểm soát và tự do mua những món đồ yêu thích.
Và khi thực sự tách ra ở riêng cùng gia đình, Quỳnh Như đã bộc lộ "sự tự do" đầu tiên bằng cách chi tiền mua quần áo và mỹ phẩm - khoản chi mà cô cho rằng đang đầu tư vào bản thân và phục vụ sở thích yêu làm đẹp. Đây cũng là nguyên nhân khiến cô nàng thường xuyên "cháy ví", tiêu hết sạch tiền cha mẹ cho, thậm chí còn phải xin phụ huynh gửi thêm tiền.
Ảnh minh hoạ
"Thời điểm đó, mình không chỉ mua quần áo online mà còn thích lang thang đủ mọi gian hàng, khám phá các khu mua sắm thời trang ở Hà Nội. Hệ quả là mình thường xuyên tiêu sạch hết tiền. Một trong những sai lầm lớn nhất của mình còn là lấy tiền cha mẹ cho học IELTS để mua thêm quần áo.
Đến bây giờ, dù mình đã cai nghiệm mua trang phục và mỹ phẩm, song mình vẫn đau đầu để tìm cách có đủ tiền để học thêm chứng chỉ IELTS" , Quỳnh Như cho hay.
Học được gì từ những sai lầm?
Tường Vy chia sẻ rằng bài học lớn nhất chính là bản thân tự nhận lấy hậu quả mình tạo ra khi tiêu sạch tiền.
Cô nàng cho hay: "Hiện tại nhìn lại khoảng thời gian đó mới thấy mình tiêu hoang phí như thế nào, những ngày cuối tháng phải ăn uống tiết kiệm ra sao. Tuy nhiên, cũng từ những lần như vậy mình mới biết cách quản lý chi tiêu hơn, tiết kiệm hơn và còn biết đi làm thêm để có thêm sinh hoạt phí cho bản thân nữa. Cũng có những lúc như vậy mới giúp mình trưởng thành".
Bên cạnh đó, Quỳnh Như nhận định chính những cảm giác hoang mang về tiền nong trong những ngày tháng đầu tiên khi được "tự do tự lo" đã dạy cho cô nhiều bài học về quản lý tài chính. "May mắn là sau đó vài tháng, mình cũng đã bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu, ghi lại những khoản mình thu - chi. Ngoài ra, mỗi tháng mình còn đặt mục tiêu chỉ dành bao nhiêu tiền cho sở thích để tránh lãng phí tiền nong".
Quỳnh Như cũng nhận định, so với bạn bè đồng trang lứa, cô đang phải đi làm sớm hơn để bù vào khoản tiền vốn dĩ dùng để học IELTS thì lại mang đi sắm quần áo, mỹ phẩm. "Tất nhiên, mình không thể xin tiếp bố mẹ tiền học IELTS nên mình buộc phải tự đi kiếm tiền để lo cho các khoản chi của mình. Cũng nhờ vậy, mình tiếp xúc sớm với môi trường văn phòng, đồng thời kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên cho mình", Quỳnh Như bộc bạch.