Sau một năm 2023 tương đối im ắng, bước sang năm 2024, các ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài. Trong năm 2023, thương vụ đáng chú ý duy nhất là việc VPBank bán 15% vốn cho SMBC.
Nhiều ngân hàng tăng tốc tìm kiếm cổ đông ngoại
Ngày 14/6, SeABank đã công bố khoản vay có thể chuyển đổi trị giá 30 triệu USD (764 tỷ đồng) từ bên cho vay là Norfund (The Norwegian Investment Fund for Developing Countries).
Việc thông qua khoản vay này có thể là một phần trong kế hoạch phát hành riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.200 tỷ đồng đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của SeABank thông qua. Năm ngoái, SeABank cũng từng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài này nhưng không thành.
Ngày 11/6, HDBank cũng tổ chức lấy ý kiến cổ đông về sửa đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) từ 20% về còn 17,5%.
Theo ngân hàng, mục đích giảm room ngoại là để có thể triển khai hiệu quả các hạng mục thuộc chiến lược phát triển của HDBank trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và phù hợp với nhu cầu đầu tư của cổ đông nước ngoài.
Đây có thể là bước chuẩn bị để ngân hàng đón cổ đông ngoại trong thời gian tới. Đầu tháng 3, nguồn tin từ Bloomberg cho biết HDBank đang tìm đến các cố vấn tài chính để hỗ trợ cho kế hoạch bán cổ phần trị giá 500 triệu USD.
Ngoài hai ngân hàng có động thái rõ ràng, một số ông lớn Big4 cũng đang đẩy nhanh quá trình phát hành riêng lẻ. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Thành viên HĐQT Vietcombank Đỗ Việt Hùng cho biết ngân hàng đang thu xếp để nhận sự tư vấn cho kế hoạch phát hành riêng lẻ theo tỷ lệ 6,5%.
“Tùy điều kiện thị trường, ngân hàng sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện việc này trong năm 2024 và phát hành thành công 6,5% cổ phần riêng lẻ có thể từ nay đến 2025 là hoàn thành”, ông nói.
Còn phía BIDV đã có kế hoạch phát hành cụ thể hơn. Theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, trong năm 2024, ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ.
“BIDV đã có sự quan tâm cụ thể của nhà đầu tư, ví dụ như phần 165 triệu cổ phiếu chúng tôi đã có kế hoạch phát hành trong ngắn hạn sau khi được sự phê duyệt của cơ quản quản lý Nhà nước. Hiện nhà đầu tư đang xem xét và đang trong thời gian làm việc với nhà đầu tư”, ông nói.
Theo ông, tiến độ thực hiện chào bán riêng lẻ sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị tường, năng lực và triển vọng kinh doanh của BIDV.
Một số cổ đông chiến lược đã và sắp rời đi
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng cũng đang thu xếp việc cổ đông nước ngoài rời đi. Tuần trước, VIB đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%, hiệu lực từ ngày 1/7. Diễn biến này xảy ra sau khi xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thoái vốn khỏi VIB.
Tại cuộc họp, VIB cho biết mới chỉ biết tới mục tiêu thoái vốn của CBA sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn. Hiện tại, ngân hàng chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể sắp tới của CBA, Chứng khoán Vietcap thông tin.
Vietcap đánh giá rằng việc giảm room ngoại xuống 4,99% sẽ cho phép VIB chủ động trong việc lựa chọn đối tác chiến lược tiềm năng và tận dụng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nếu ngân hàng có kế hoạch huy động vốn trong tương lai.
Tính đến thời điểm hiện tại, CBA vẫn đang là cổ đông lớn nhất của VIB, nắm gần 20% vốn điều lệ của ngân hàng.
Cuối tháng 5, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã bán toàn bộ số cổ phiếu ABB đang nắm giữ, tương đương 8,2% vốn và chính thức không còn là cổ đông của ABBank. IFC và Maybank từng là hai cổ đông nước ngoài lớn tại ABBank.
Hiện Maybank - ngân hàng lớn nhất Malaysia - là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng, với tỷ lệ sở hữu là 16,4%. Theo ABBank, lộ trình thoái vốn của IFC tại ABBANK đã được hoạch định từ trước và được IFC thực hiện trong tháng 5/2024.
Chia sẻ về kế hoạch thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài, ABBank cho biết: “Trong tương lai, việc thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là phương án mà ABBank sẽ xem xét khi có cơ hội tốt, đối tác chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của ABBank”.
Ngoài hai thương vụ trên, đầu năm nay, cổ đông ngoại CVC Capital Partners cũng đã thoái vốn một phần khỏi ACB. Cuối tháng 3, Whistler Investment Limited 193,9 triệu cổ phiếu ACB. Tổng số tiền thu về là 5.471 tỷ đồng. Kể từ ngày 1/4, Whistle Investment Limited đã không còn là cổ đông lớn của ACB.
Theo nguồn tin từ Reuters, Whistler Investment Limited chính là quỹ đầu tư thuộc CVC. Ngoài ra, cũng theo nguồn tin trên, người mua cổ phần của ACB từ tay CVC là hai tổ chức tài chính có trụ sở tài Mỹ.
Chưa vội vàng kiếm nhà đầu tư ngoại
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới chưa hoàn toàn ổn định, không phải ngân hàng nào cũng vội vã tìm kiếm cổ đông chiến lược. Nhiều ngân hàng muốn tìm được đối tác để chia sẻ công nghệ, quản lý, quản trị rủi ro,… chứ không chỉ nhằm tăng vốn.
Tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng đang có room ngoại là 22%, cho phép phát hành 10% cho cổ đông chiến lược. “Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông”, ông nói.
“Năm vừa rồi VPBank đã làm thành công với SMBC, Techcombank cũng đang nghiên cứu cơ hội như vậy. TCB đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được”, Chủ tịch Techcombank trả lời.
Cũng với câu hỏi tương tự, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho rằng: “ Chuyển nhượng mà điều kiện thấp, đơn giản thì rất nhanh. Nhưng không những đáp ứng lợi ích ngắn mà còn trong trung dài hạn, mang tính chiến lược, bền vững”.
Tại ĐHĐCĐ năm ngoái, ông Hiển khẳng định SHB luôn giữ quan điểm thận trọng vì muốn tìm đối tác chung thủy, có thể đi cùng ngân hàng trong dài hạn. Ông cho biết SHB đã tiếp cận với một số nhà đầu tư muốn rót vốn đầu tư tài chính với chiến lược từ 3 - 5 năm. Do đó, ngân hàng sẽ hạ tiêu chuẩn xuống và dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta sẽ có những "chàng rể" về trung hạn.
Tuy vậy, cho đến nay, SHB vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin gì về những "chàng rể" về trung hạn này. Tháng 8/2023, Reuters từng thông tin rằng SHB đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược với mức định giá từ 2 – 2,2 tỷ USD. Thương vụ có thể hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Khi được hỏi về kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh tiết lộ ngân hàng vẫn để ngỏ phương án này và hiện đã làm việc với một số đối tác. Năm ngoái đã làm việc hai tổ chức, trong đó có tổ chức đến từ Đức để mời cổ đông nước ngoài (CĐNN).
“So với quy mô tài sản, vốn điều lệ của MSB hiện đã đáp ứng được yêu cầu NHNN, tiêu chuẩn Basel … nên không cần tăng vốn. Thay vào đó, ngân hàng muốn CĐNN mang lại giá trị về quản trị rủi ro, phát triển KD, chuyển đổi số”, ông nhấn mạnh.
Còn với Eximbank, quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải khẳng định ngân hàng vẫn đang tìm kiếm 1 cổ đông chiến lược mang tầm cỡ thế giới. Kể từ năm 2022, SMBC đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược với Eximbank và có động thái thoái vốn khỏi ngân hàng.
Trong khi đó, Tại ĐHĐCĐ vừa qua, Phó Chủ tịch HĐQT LPBank Bùi Thái Hà thông tin rằng năm 2022, ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường không thuận lợi, HĐQT đề xuất tạm dừng phương án này.