Chứng khoán

Một quỹ đầu tư liên tục “xả hàng” đưa tỷ trọng cổ phiếu xuống thấp kỷ lục, đâu là lý do?

Ballad Fund - quỹ đầu tư thuộc SGI Capital vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 5/2024 với tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tiếp tục giảm mạnh. Thời điểm 31/5, cổ phiếu chỉ còn chiếm 21,16% danh mục của quỹ, thấp kỷ lục kể từ khi hoạt động tháng 11/2021. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp quỹ đầu tư này bán mạnh cổ phiếu trong danh mục.

photo-1717769408788

Trước đó, trong quý đầu năm, tỷ trọng cổ phiếu thường xuyên duy trì quanh mức rất cao, khoảng 80-90% danh mục của quỹ. Có thời điểm, danh mục của Ballad Fund có đến 19 mã, trong đó có đến 6 cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này sau đó đã liên tục chốt lời toàn bộ cổ phiếu ngân hàng và nhiều mã khác.

Riêng trong tháng 5 vừa qua, Ballad Fund đã bán ra sạch QTP và VTO, 2 cổ phiếu quỹ đã nắm giữ khá lâu. Bên cạnh đó, quỹ đầu tư này cũng bán bớt DHG trong khi chỉ mua thêm lượng nhỏ cổ phiếu BWE. Đến cuối tháng 5, danh mục quỹ chỉ còn 7 mã cổ phiếu. Ngược lại, lượng tiền mặt tại quỹ đã tăng mạnh lên hơn 67,5 tỷ đồng vào cuối tháng 5, chiếm 78,84% danh mục.

photo-1717769446286

Động thái của Ballad Fund diễn ra trong bối cảnh thị trường có diễn biến khá khởi sắc. VN-Index tăng 4,32% trong tháng 5 qua đó trở lại gần vùng đỉnh 2 năm. Dù vậy, chỉ số vẫn đang gặp khó trước kháng cự mạnh gần 1.300 điểm. Đà tăng thời gian qua chủ yếu được hỗ trợ bởi dòng tiền nội trong khi khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng không ngớt tay.

Trong tháng 5, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 15.600 tỷ đồng trên HoSE, đặc biệt dồn dập vào nửa cuối tháng. Con số này vượt qua mức kỷ lục cũ ghi nhận hồi tháng 5/2021, qua đó trở thành tháng "xả" hàng mạnh nhất của dòng vốn ngoại trong suốt lịch sử 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

photo-1717769469106

Theo SGI Capital, khối ngoại bán ròng triền miên có thể đến từ lo ngại rủi ro tỷ giá khi nền lãi suất VND hạ thấp so với thế giới, thoái vốn một số nhóm cổ phiếu có rủi ro cục bộ cao, và ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng chung khỏi nhóm các thị trường mới nổi… Quỹ đầu tư này nhận định xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc đảo chiều.

Kể từ 1/2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 110.000 tỷ, phát hành cho cổ đông hiện hữu 160.000 tỷ và cổ đông nội bộ/cổ đông lớn đã bán 30.000 tỷ. Hơn 300.000 tỷ nguồn cung này được hấp thụ bởi nhà đầu tư nội thông qua một nửa là tiền nộp mới và một nửa là dư nợ margin tăng thêm. Hệ quả là mức margin/vốn hoá đã tăng lên mức kỷ lục 3,7% tính trên vốn hoá HoSE cuối quý 1/2024.

photo-1717769530774

Nguồn: SGI Capital

Trong bối cảnh áp lực bán ròng khối ngoại tăng kỷ lục, các đợt phát hành tăng vốn mới đang tăng tốc và cổ đông nội bộ tăng bán gần đây, thị trường cần dòng tiền nộp mới gia tăng mạnh để duy trì xu hướng tích cực một cách bền vững. Nhưng thanh khoản trên thị trường lại đang giảm đi gần đây, dòng tiền nội đã không tăng lên đủ mạnh và tỷ lệ margin tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới.

Một điểm cần lưu ý khác là trái phiếu BĐS sẽ đáo hạn 20.000 tỷ trong tháng 6 và 33.000 tỷ trong quý 3. Áp lực từ trái phiếu và nợ tới hạn vẫn là một rủi ro trực tiếp với những doanh nghiệp phát hành (bao gồm cả những tập đoàn lớn đang niêm yết), với cả ngành BĐS nói chung và có thể ảnh hưởng tới ngành ngân hàng.

Nhìn chung, TTCK Việt Nam đang vào vùng trũng thông tin sau mùa ĐHĐCĐ với nhiều kỳ vọng tăng trưởng cao so với thực tế. Định giá chung không còn rẻ và nhóm doanh nghiệp phi tài chính đã vào vùng đắt. Thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ vay margin/vốn hóa cao kỷ lục. Theo SGI Capital, các cân đối này đang cho thấy rủi ro tăng lên và mức độ hấp dẫn của thị trường giảm đi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm