Theo bác sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung (Khoa Hóa trị và bệnh máu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), đối với ung thư đại trực tràng, chế độ ăn lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất đã được chứng minh là các yếu tố giúp làm giảm tần xuất mắc bệnh. Các loại thức ăn như cá, axit béo chưa bão hòa (dầu ô lưu, dầu hạt cải, Omega-3), sữa, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, tỏi, rau không chứa tinh bột, rau họ cải giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
Trong mỗi nhánh tỏi có chứa nhiều chất phytochemical (dược chất thực vật), nhiều chất trong đó đã thể hiện đặc tính phòng chống ung thư khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm như flavonoid, inulin, saponin, S-allyl cysteine...
Ngoài tác dụng phòng chống ung thư mạnh nhất đối với ung thư đại trực tràng, tỏi cũng đang được nghiên cứu về vai trò của nó trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như: ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan, ung thư bàng quang...
Tỏi khi được nghiền nát hoặc nhai sẽ giúp phát huy các công dụng
Cũng nói về tác dụng của loại củ có vị cay nồng này, PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, chất alliin có trong tỏi khi được nghiền nát hoặc nhai sẽ biến thành allicin chứa lưu huỳnh, tạo cho tỏi đặc tính chữa bệnh cũng như mùi vị đặc biệt. Cụ thể, hợp chất này đã được chứng minh là có khả năng tăng cường phản ứng chống lại bệnh tật của một số loại tế bào bạch cầu khi chúng gặp phải virus, chẳng hạn như virus gây ra cảm lạnh hoặc cúm.
Ngoài ra, tỏi còn được chứng minh là có tác dụng tốt đối với bệnh nhân tiểu đường. Loại củ này có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, ngăn chặn hoặc làm giảm tác động của một số biến chứng tiểu đường, chống lại nhiễm trùng, giảm cholesterol LDL và khuyến khích lưu thông. Đối với bệnh nhân tiểu đường type 2, sử dụng tỏi thường xuyên sẽ giúp cải thiện đáng kể lượng cholesterol trong máu do tỏi làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (xấu) và tăng cholesterol HDL (tốt).
Dùng tỏi ra sao để phát huy tối đa công dụng?
PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào cho biết, cách chế biến tỏi có thể làm thay đổi lợi ích nó nếu như không làm đúng cách. Chẳng hạn, chỉ cần để tỏi trong lò vi sóng 60 giây hoặc 45 phút trong lò nướng có thể làm mất tác dụng của alliinase. Do đó, để đảm bảo các tính năng của tỏi thì nên làm theo các cách sau:
- Nên đập dập hoặc cắt lát tỏi trước khi ăn để làm tăng hàm lượng allicin.
- Hãy để tỏi đập dập nghỉ trong 10 phút trước khi đem nấu ăn
- Nếu có thể, hãy sử dụng nhiều hơn 1 tép tỏi trong mỗi bữa ăn.
- Nếu sử dụng bột tỏi thì hãy dùng tỏi tươi, thái mỏng và phơi khô để giúp enzyme alliinase tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày có thể chuyển hóa alliin thành allicin có lợi trong ruột.
Trẻ có thể bị bỏng nếu bôi tỏi nguyên chất vào rốn
Tác hại khi dùng tỏi sai cách
Hãy hiểu rằng, bất cứ thực phẩm nào có tốt đến đâu nhưng nếu dùng quá mức đều sẽ gây hại. Ăn tỏi nhiều có thể gây hôi miệng và huyết áp thấp nên chúng ta chỉ được ăn từ 2-4 tép tỏi mỗi ngày.
Một số phụ huynh có thói quen đặt tỏi vào rốn trẻ sơ sinh để làm khô dịch. Điều này sẽ khiến trẻ bị bỏng và loét da nếu giã tỏi nguyên chất hoặc sử dụng nồng độ đậm đặc.
Một phương pháp truyền miệng nữa hay được dân gian áp dụng đó là bơm rửa mũi bằng dung dịch tỏi đậm đặc hoặc rượu tỏi để chữa viêm xoang mũi. Tuy nhiên, việc này có thể làm tổn thương toàn bộ niêm mạc mũi xoang thậm chí tổn thương cả dây thần kinh khứu giác gây mất mùi.
Tổng hợp