Sau tuyên bố ngừng cung cấp "các sản phẩm và dịch vụ cốt lõi", bao gồm Facebook và Instagram tại Anh và châu Âu, Facebook ngày càng chìm sâu trong khủng hoảng khi hàng loạt người dùng, nhất là tại châu Phi, Mỹ Latin và Ấn Độ lên tiếng kêu gọi tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Hashtag #DeleteFacebook theo đó tràn lan trên khắp các bài đăng Twitter.
Lần đầu mất ‘’dân số’’
Theo tạp chí công nghệ The Verge, kể từ khi ra mắt, Facebook liên tục gia tăng lượng người dùng. Tuy nhiên đến tuần vừa qua, lần đầu tiên "dân số" mạng xã hội này sụt giảm 1 triệu tài khoản chỉ sau 3 tháng. Thực tế doanh thu thấp hơn kỳ vọng cũng khiến cổ phiếu gã khổng lồ này "bốc hơi" 26% giá trị trong phiên giao dịch thứ Năm tuần qua. Mark Zuckerberg, theo đó ‘’tuột tay’’ 24 tỷ USD trong chớp mắt.
Vị CEO này cho rằng nguyên nhân thực sự khiến cổ phiếu Facebook lao dốc đến từ khủng hoảng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như những thay đổi trong chính sách quyền riêng tư của Apple đối với hệ điều hành IOS. Ngoài ra, sức hút của các đối thủ cùng ngành, chẳng hạn như TikTok, cũng khiến người dùng không còn dành nhiều sự ‘’mặn mà’’ với mạng xã hội này.
"Mọi người có rất nhiều sự lựa chọn để sử dụng thời gian của mình. Trong khi đó, các ứng dụng như TikTok lại đang phát triển quá nhanh", Mark Zuckerberg cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng những bê bối rò rỉ dữ liệu mới đây của Facebook cũng khiến mạng xã hội này mất đi niềm tin của phần lớn người dùng. Chất lượng thông tin Facebook đăng tải cũng chưa thực sự được kiểm duyệt rõ ràng, kỹ lưỡng.
"Facebook đang chi hàng tỷ USD để kiểm duyệt thông tin, nhưng chủ yếu là tại Mỹ. Mỗi ngày, vẫn có nhiều thông tin sai sự thật bị người dùng từ khắp nơi trên thế giới tung ra’’, Cựu Giám đốc Chính sách công tại Facebook cho biết.
"Thế giới đang bước sang năm COVID-19 thứ 3, nhưng những rủi ro về thông tin y tế sai lệch vẫn hiện hữu trong cộng đồng", tờ Bloomberg bình luận thêm.
Làn sóng tẩy chay
“Năm 2016, tôi đã xóa tài khoản Facebook của mình sau khi nghe tin về bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng dù không hề có sự đồng ý nào từ họ’’, một người dùng Twitter cho biết.
“Việc đổi tên thành Meta dường như khiến một công ty vốn đã tồi tệ trở nên tồi tệ hơn’’, một bình luận khác nói.
‘’Hashtag #Deletefacebook đang vô cùng phổ biên, tuy nhiên, Facebook chỉ là một trong vô vàn những kênh thông tin chứa nội dung sai lệch được đăng tải mỗi ngày. Các phương tiện truyền thông cần được làm mới hoàn toàn, dù đó là Facebook, Twitter, Tiktok, Gettr hay Insta’’.
Làn sóng tẩy chay Facebook trên Twitter
Meta không phải là công ty duy nhất đối mặt với khủng hoảng bị tẩy chay. Gã khổng lồ truyền phát nhạc trực tuyến Spotify mới đây cũng cho biết sẽ chỉ có 183 triệu người dùng đăng ký trả phí trong quý I khi các hashtag #DeleteSpotify và #ByeSpotify bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo: Euronews