Sau một loạt những thông tin rò rỉ và báo cáo về việc thương vụ thâu tóm có giá trị cao nhất lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn có khả năng bị đổ bể, ngày hôm nay Nvidia đã chính thức tuyên bố hủy bỏ thương vụ mua lại Arm trị giá 40 tỷ USD. Đồng thời, Nvidia cũng tiết lộ lý do phía sau.
Trở lại hồi tháng 9 năm 2020, Nvidia đã công bố một thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD để thâu tóm công ty thiết kế chip có ảnh hưởng lớn nhất ngành công nghiệp là Arm, từ chủ sở hữu Softbank. Tuy nhiên trong quá trình hoàn tất thỏa thuận này, Nvidia đã nhận thấy có rất nhiều thách thức và rào cản về quy định từ các nhà quản lý liên quan đến việc chống độc quyền.
Sáng nay, Nvidia đã thông báo chính thức trên trang web của mình, tuyên bố chấm dứt thỏa thuận thâu tóm Arm. Nvidia cho biết rằng cả hai công ty đều có nỗ lực và thiện chí để hoàn tất thỏa thuận này.
Nhà sáng lập kiêm CEO Jensen Huang của Nvidia tuyên bố rằng: “Tôi kỳ vọng Arm sẽ là kiến trúc CPU quan trọng nhất trong cả một thập kỷ tới”. Điều đó cho thấy việc có thể sở hữu được Arm sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho Nvidia, đặc biệt là trong cuộc chiến cạnh tranh với các đối thủ như Qualcomm, Apple hay thậm chí là Intel.
Nvidia tiết lộ lý do phía sau là do “những thách thức đáng kể về quy định pháp lý”. Sau khi thương vụ này được công bố, một số cơ quan quản lý của Mỹ và Châu Âu đã bày tỏ những lo ngại và có thể có hành động để chống lại thỏa thuận thâu tóm này.
Chính vì việc Arm có tầm quan trọng rất lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay. Kiến trúc chip xử lý của Arm được sử dụng trong tất cả smartphone, đến máy chơi game cầm tay và cả máy tính cá nhân. Các công ty như Apple, Qualcomm, Samsung hay Mediatek đều phụ thuộc vào Arm.
Do đó, việc Nvidia sở hữu Arm trong khi đây lại là một nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Ngược lại, chủ sở hữu Softbank hiện tại không phải là một nhà sản xuất chip bán dẫn, do đó không có ảnh hưởng tới ngành công nghiệp này. Softbank cũng sẽ nhận được khoản phí bồi thường 1,25 tỷ USD từ Nvidia.
Tham khảo: androidauthority