Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động, mức tăng cao nhất lên đến 0,5%/năm. Có ngân hàng tăng lãi suất 2 - 3 lần trong vòng một tháng.
Xuất hiện mức lãi suất trên 6%/năm
HDBank vừa tăng lãi suất các kỳ hạn với mức tăng 0,3%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi cá nhân kỳ hạn 1 - 18 tháng.
Cụ thể ở kênh tiền gửi trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng tăng lên mức 3,25%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 4,9%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,3%/năm.
Đáng chú ý, kỳ hạn 15 tháng lãi suất lên mức 6,1%/năm còn kỳ hạn 18 tháng tăng lên 6,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất gần như cao nhất trên thị trường hiện nay.
VIB cũng vừa tăng lãi suất huy động lần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng. Theo đó, lãi suất huy động tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này đã tăng 0,3 %, lên 2,8%/năm. Trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,1%/năm, lên mức 3,1%/năm.
Techcombank cũng tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần liên tiếp ngay đầu tháng 5. Hiện lãi suất huy động cao nhất ngân hàng này áp dụng cho kỳ hạn 12 - 36 tháng là 4,7%/năm.
MB cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 15 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh lãi suất cao nhất là 4,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 - 15 tháng.
Tính đến nay đã có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank và gần đây nhất là ngân hàng số Cake by VPBank... Một số ngân hàng có mức tăng lãi suất lên đến 0,9%/năm như CB và OceanBank.
Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Vì sao lãi suất tăng trở lại?
Lãi suất huy động tăng trở lại gần đây khi người dân có xu hướng rút bớt tiền gửi ở ngân hàng để đầu tư vào những kênh đầu tư mạo hiểm hơn, trong đó có vàng.
Giá vàng đã tăng liên tục suốt nhiều tháng, từ mức 67 triệu đồng/lượng giữa năm 2023 lên trên 92 triệu đồng/lượng vào tháng 5 năm nay (tăng hơn 37%). Mức tăng này gấp nhiều lần lãi suất tiết kiệm. Một số khác đầu tư vào chứng khoán, mua nhà đất...
Báo cáo tài chính quý 1 cho thấy tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.
Với diễn biến của lãi suất huy động gần đây, Công ty chứng khoán VnDirect nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy. Tuy nhiên VnDirect cũng cho rằng mức tăng của lãi suất huy động vừa qua là không đáng kể, ít nhất là trong quý tới, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.
Trong khi Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường. Dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.
Chưa có dấu hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ
Cùng với động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư của các ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng gần đây cũng nhích lên. Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có động thái gây chú ý khi tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO) lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, từ mức 4,25%/năm lên 4,5%/năm hôm 22-5.
Cũng trong ngày 22-5, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 650 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm.
Theo các chuyên gia, việc nâng lãi suất OMO giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ. Trong suốt gần 1 tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp nhưng giá bán USD tại các ngân hàng vẫn ở mức sát trần, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối.
Theo ước đoán, lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay đã chạm mốc 2,5 tỉ USD.
Do vậy việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và nghiệp vụ thị trường mở (OMO) được đánh giá nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường. Đồng thời giảm sức ép lên tỉ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Chia sẻ tại bàn tròn "Triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư Ngân hàng UOB Việt Nam" ngày 23-5, ông Đinh Đức Quang, giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích động thái tăng lãi suất OMO và phát hành tín phiếu đơn thuần là hoạt động điều tiết thông thường trên thị trường liên ngân hàng.
Về lãi suất huy động dân cư, vừa qua một số ngân hàng thương mại có tăng lãi suất huy động nhưng phần lớn là ở các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2 - 0,3%/năm. Sau khi tăng, mặt bằng lãi suất hiện tại như tiền gửi kỳ hạn 12 tháng quanh 5%/năm - vẫn thấp hơn trước dịch COVID-19.
"Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng là theo xu hướng của các thị trường quốc tế và nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước", ông Quang nhấn mạnh.
VND sẽ tăng giá trở lại vào cuối năm nay
Ông Abel Lim, giám đốc tư vấn và chiến lược quản lý tài sản Tập đoàn UOB, cho biết quan điểm của UOB là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12.
Vì vậy, sức mạnh của USD được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong những tháng tới, tác động tích cực tới VND. Dự báo VND và các đồng tiền khác trong khu vực có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong cuối năm 2024.